Thoại Hà -
- Vì sao, đầu năm mới anh lại ra mắt một tập thơ nói về những câu chuyện cũ, những con người cũ và về chiến tranh - người lính?
- Ngày 7/1/1979 đã lùi xa 30 năm. Thời gian đủ để một đứa bé sinh ra, lớn lên và trưởng thành, nhưng không đủ để những người đã dành phần lớn thời tuổi trẻ của mình sống ở chiến trường và trở về trong sự lặng im (theo tôi là sự lặng im đến kinh ngạc) có thể quên đi những năm tháng ấy.
Khúc ca đồng đội xuất bản vào cuối tháng 12/2008 và được giới thiệu vào đầu năm 2009 là do sự chuẩn bị có chủ đích của tôi - người lính trở về từ chiến trường biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia.
![]() |
Tập thơ "Khúc ca đồng đội" của Phạm Sỹ Sáu. |
- Tập sách không in mục lục, từng bài thơ được anh sáng tác từ thời trai trẻ nay về lại trên trang sách mới miên man như dòng chảy của tâm tưởng và hồi ức. Cảm xúc hiện tại của anh như thế nào khi một lần nữa giới thiệu chúng với độc giả?
- Tập thơ thật sự là sự tái bản có bổ sung phần chú thích tập thơ "Điểm danh đồng đội" được xuất bản năm 1988 bởi NXB Văn Nghệ và phần thơ Phạm Sỹ Sáu trong tập thơ in chung nhiều tác giả trong tập thơ Khúc ca vào chiến dịch do báo Tuổi Trẻ in sau Cuộc vận động sáng tác văn học nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đoàn năm 1981.
Việc tập thơ được in gồm 2 phần và không có mục lục là chủ đích của tác giả: muốn người đọc cùng hành trình trở về những năm tháng chưa xa để hiểu hơn những người lính thế hệ thứ tư - những người đi giữ nước mà mang lòng nhớ nước.
Thêm nữa, đầu năm 2009, Hội Nhà văn Khmer của Campuchia là đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị các nhà văn 3 nước Campuchia - Lào -Việt Nam và trao giải văn học Sông Mêkông lần thứ hai. Tập thơ như món quà của tôi gửi đến độc giả để họ hiểu thêm phần nào về người lính tình nguyện Việt Nam.
Và đây cũng là lần đầu tiên tôi phải tự đầu tư về tài chính để in tập thơ cho riêng mình, nên tôi thông cảm sâu sắc với những nhà thơ từ trước đến giờ đã phải tự xuất bản thơ.
- Kể từ nhiều bài thơ được sáng tác thời trai trẻ và từng được nhà thơ Chế Lan Viên khen ngợi, vì sao lâu rồi anh chưa ra một tập thơ mới về sự chuyển động của cuộc sống sau thời chiến?
- Đề tài chiến tranh là vẫn luôn là thế mạnh của tôi. Nhiều bài thơ tôi viết ở chiến trường thời đó với tôi thật sự mới chỉ là những phác thảo, như Khúc ca vào chiến dịch không phải là một trường ca mà chỉ là một ký sự thơ, bởi từng phần trong tập thơ đó có thể được viết thêm hoặc viết lại một cách sâu sắc hơn, thân phận hơn và người hơn.
Rời khỏi quân đội hơn 20 năm rồi nhưng hình ảnh người lính vẫn không nhòa trong tôi mà ngày càng sâu sắc hơn, day dứt và ý nhị hơn. Do đó, với tôi cần phải có độ lùi về thời gian và thời điểm thích hợp để quyết định cho việc công bố những tác phẩm mới. Bởi chuyện chiến tranh và con người trong cuộc chiến đó quả là không đơn giản.
- Có dịp quay trở lại chiến trường xưa ở Campuchia nhiều lần, sao anh vẫn chưa sáng tác tác phẩm nào về cuộc sống mới tại đó?
- Bây giờ tôi đã U60 rồi, không còn cái thời U30 nữa. Nghĩa là bây giờ ngoài việc đi chậm, ăn chậm, còn nghĩ chậm và chắc cũng sẽ là... viết chậm nữa. Cảm xúc cũ vẫn còn đấy, mới mẻ và dữ dội hơn, nhưng biết lắng lại cũng không phải là chuyện thừa. Một vài bài viết ngắn giới thiệu trên báo chưa nói gì được về Campuchia hôm nay. Tôi đang kêu gọi đồng đội trở lại Campuchia, bằng đi tour hay đi bụi, trở lại và cảm nhận sự hồi sinh. Rồi sẽ có những bài mới viết về cuộc hành hương này. Còn bây giờ nó chưa thể là tác phẩm. Đành chấp nhận vậy thôi.
![]() |
Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu đang phát biểu, bên cạnh là nhà văn Mạc Can. Ảnh: L.T. |
"Tôi làm sách trên tư thế người đọc chứ không phải là buôn sách"
- Trong tiểu sử vắn tắt in ở trang gập bìa cuốn thơ, anh giới thiệu mình chuyển công việc làm thơ sang nghề xuất bản, anh có thể cho biết vì sao một nhà thơ như anh lại đến với công việc xuất bản?
- Tôi đến với nghề xuất bản từ một địa chỉ khác, từ Hội Nhà văn TP HCM. Đến bởi sự tình cờ, vì khi ở Hội tôi có phối hợp với NXB Trẻ tổ chức 2 cuộc thi văn học dành cho thiếu nhi và thanh niên. Đó là Cuộc thi Văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước và cuộc vận động sáng tác Văn học Tuổi 20.
Cả 2 cuộc thi đều thành công lớn và chúng là giấy giới thiệu cho tôi đến với nghề xuất bản qua sự gợi ý của anh Lê Hoàng - nguyên giám đốc NXB Trẻ, từ cuối năm 1995 đầu năm 1996. Làm sách là công việc tôi yêu thích từ ngày còn học phổ thông, còn làm đặc san xuân cho lớp, cho trường. Vào nghề xuất bản, sống được với nó, và hình như cũng làm được cái gì đó cho NXB, cho ngành và cho bạn đọc rộng rãi. Rời "ngành" lính đi làm văn... phòng và giờ được làm văn chương, âu cũng là số phận không đến nỗi nào.
- Một nhà thơ làm công việc giao dịch tác quyền thì có khác gì với một người bình thường làm công việc này?
- Giao dịch tác quyền là một công việc đòi hỏi nhiều cảm tính và lý tính. Cảm tính để thuyết phục, tiếp nhận và lý tính để phân tích và tính toán.
Nhiều khi nó như là chuyện "ăn đầu sóng, nói đầu gió" nhưng không thể không có thực tiễn. Thiếu thực tế thì chẳng làm nên việc gì, mà thực tế quá nhiều khi cũng trần trụi đến thô thiển. Nói chung nhà thơ cũng là người bình thường thôi, chỉ là nhà thơ khi là tác giả của bài thơ thôi, chứ là tác giả của cả cuộc đời mình luôn thì chắc là... hết biết.
- Anh khá "mát tay" trong việc gầy dựng tên tuổi của một vài cây bút trong làng viết, anh nghĩ gì về vai trò của một "ông bầu" trong đời sống văn học nghệ thuật?
- Chẳng có công sức nhiều trong việc gầy dựng đâu. Bởi trước hết, các tên tuổi đó họ đã có đầy đủ yếu tố để làm tự họ làm nên tên tuổi của mình rồi. Người biên tập chỉ làm nhiệm vụ là chăm sóc cho tác phẩm của họ được "mẹ tròn con vuông" thôi. Đôi khi tôi chỉ mất công "gia công" chút đỉnh tác phẩm của họ, và may mắn là họ cũng chịu nghe theo. Tôi làm sách luôn đứng trên tư thế của người đọc, không bao giờ trên tư thế của người buôn sách, lái sách.
Trong văn học nghệ thuật, tôi nghĩ cần thiết phải có "ông bầu". Bởi họ là người "rành sáu câu vọng cổ" về đường đi nước bước để làm sao một bản thảo có thể đến được NXB và từ NXB đến tay độc giả. Bởi có họ, hoạt động nghệ thuật sẽ "rút ngắn đoạn đường là thêm bước tiến công" mà. Nhưng "ông bầu" phải có tâm sáng, chứ còn làm sách mà thủ đoạn thì xin miễn. Ồ, mà từ khi làm sách tôi cũng đã trở thành "ông bầu" vì ngồi nhiều quá nên cái bụng tôi nó bị dôi ra thật (cười).
- Năm hết Tết đến rồi, một người làm xuất bản như anh có điều gì muốn gửi gắm?
- Mong năm mới, ngành ta thuận lợi, nhà xuất bản nào cũng làm ăn như mong đợi, tôn trọng bản quyền tới tới, đừng vác nhau ra sới truyền thông để vặt lông như những chuyện lòng thòng của năm con Chuột (cười).