![]() |
Bị can Phạm Sĩ Chiến rất tự tin, khẳng định mình vô tội. |
Theo cáo trạng, việc chạy tội cho Năm Cam thoát khỏi trại cải tạo bắt đầu ngay sau khi "ông trùm" bị bắt, tháng 5/1995. Một trong những mục tiêu mà Trần Văn Thuyết cùng Nguyễn Ngọc Hiệp (con rể Năm Cam) nhằm tới là Phạm Sĩ Chiến, lúc đó là phó viện trưởng VKSND Tối cao. Để làm rõ vấn đề này, HĐXX đã yêu cầu bị cáo Chiến trình bày về quy trình, tổ chức hoạt động của VKSND Tối cao và nhiệm vụ quyền hạn của phó viện trưởng. Tuy nhiên Phạm Sĩ Chiến nói: “Quy trình này đều đã quy định rõ và đại diện VKS cũng biết rồi”. Công tố viên đề nghị: “Bị cáo cứ trình bày cho HĐXX biết”. Phạm Sĩ Chiến lại nói: “Thưa, phải đi vào cụ thể từng vụ việc chứ hỏi chung thì khó trả lời”. Chủ toạ phiên toà buộc phải yêu cầu: “Cụ thể như việc giải quyết đơn khiếu nại của Phan Thị Trúc”.
Lúc này Phạm Sĩ Chiến mới trả lời: “Tháng 7/1995, VKSND TP HCM báo cáo nhanh cho VKSND Tối cao về việc Cơ quan điều tra bắt tập trung Trương Văn Cam. Họ cho rằng việc bắt này không đúng pháp luật vì chưa thông qua hội đồng tư vấn thành phố. Nhưng đây lại là việc của Bộ Nội vụ nên xin ý kiến chỉ đạo của VKSND Tối cao. Viện trưởng VKSND Tối cao phê vào lề giao cho bị cáo xem xét giải quyết và trả lời. Bị cáo đề nghị Vụ Giam giữ cải tạo (Vụ 4) báo cáo và Vụ Kiểm sát điều tra án trị an (Vụ 2B) giải quyết. Vụ 2B cho biết đã cử cán bộ vào TP HCM làm việc nhiều lần. Sau đó Vụ 2B cho biết là báo cáo của VKSND TP HCM là đúng…”.
Cáo trạng nhận định rằng, trình tự sau đó, Phạm Sĩ Chiến gửi công văn cho Bộ Nội vụ ngày 6/10/1995 hỏi về lý do Trương Văn Cam bị bắt. Bộ Nội vụ có công văn trả lời số 2457 vào ngày 25/10/1995 nói rõ việc bắt Trương Văn Cam là có cơ sở và làm theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng trong phiên toà hôm nay, Phạm Sĩ Chiến cho rằng: “Công văn số 2457 của Bộ Nội vụ gửi Viện trưởng VKSND Tối cao chứ bị cáo không nhận được. Sau này bị cáo mới biết và nghiên cứu. Lý do tại sao không nhận được thì bị cáo không biết”. Phạm Sĩ Chiến cũng công nhận đã có nhiều cuộc họp giữa Vụ 2B và C16 (Bộ Nội vụ) để bàn về hướng giải quyết việc đưa Năm Cam đi cải tạo, nhưng hai bên không thống nhất quan điểm. Trong đó Vụ 2B và ông Chiến cùng xác định việc làm của Bộ Nội vụ bắt Trương Văn Cam là không đúng pháp luật.
Bộ Nội vụ liên tiếp ra 2 văn bản số 603 ngày 30/6/1996 và số 210 ngày 6/9/1996, khẳng định với VKSND Tối cao rằng việc đưa Năm Cam đi tập trung cải tạo là đúng đối tượng, được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Ngày 7/9/1996, Phạm Sĩ Chiến ký vào bản kiến nghị 1333/KSĐT-TA gửi Bộ Nội vụ đề nghị hủy bỏ quyết định tập trung cải tạo đối với Trương Văn Cam. Theo đại diện VKSND TP HCM giữ quyền công tố tại tòa, việc ký văn bản này là thiếu cân nhắc, chưa tìm hiểu kỹ.
HĐXX hỏi: “Vì sao đã có hai công văn của Bộ Nội vụ mà vẫn tiếp tục giữ nguyên nội dung kiến nghị 1333?”. Bị cáo Phạm Sĩ Chiến: “Thưa HĐXX, vì sau đó Phan Thị Trúc vẫn gửi đơn và Văn phòng Chính phủ có công văn hỏi lại VKSND Tối cao. Bội Nội vụ cũng gửi công văn số 1117 (cuối tháng 12/1996) trả lời là có thêm những tài liệu mới trong vụ bắt Năm Cam. Nhưng bị cáo đề nghị Vụ 2B xem xét, và được họ báo cáo rằng "vẫn không thấy có gì mới". Vì vậy bị cáo tiếp tục giữ nguyên quan điểm của mình”.
Đại diện VKS tại toà hỏi: “Theo quy định, khi có 2 quan điểm khác nhau giữa 2 cơ quan pháp luật về một vụ việc thì phải đưa ra Ủy ban Kiểm sát để bàn bạc cụ thể. Tại sao bị cáo không đưa việc này ra Ủy ban Kiểm sát để xin ý kiến tập thể?”. Phạm Sĩ Chiến: “Thưa, đến thời điểm đó vẫn chưa phân định cụ thể và rõ ràng việc nào nên trình Ủy ban Kiểm sát, việc nào không. Bị cáo có báo cáo với viện trưởng để xin ý kiến nhưng viện trưởng bảo bị cáo cứ xem xét giải quyết”. “Điều gì chứng minh việc bị cáo đã hỏi ý kiến viện trưởng?” Nguyên phó viện trưởng VKSND Tối cao rút khăn tay lau mồ hôi: “Thưa, bị cáo có ghi trong sổ công tác nhưng lâu ngày quá bị thất lạc chưa tìm ra”.
Phạm Sĩ Chiến luôn khẳng định rằng ông không biết việc bắt Trương Văn Cam là có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, vì “Bộ Nội vụ nói thế chứ bị cáo không biết có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng hay không”. Tòa hỏi: “Với cương vị của mình bị cáo có thể hỏi lại Thủ tướng hoặc yêu cầu Văn phòng Chính phủ cung cấp các văn bản cần thiết”. Ông Chiến nói: “Với nhận thức của mình lúc đó, bị cáo nghĩ đã thực hiện theo đúng chức năng và sẽ chịu trách nhiệm trước Quốc hội, nên không nghĩ là phải đi hỏi lại Thủ tướng”.
Quay lại vấn đề kiến nghị hủy bỏ quyết định tập trung cải tạo, Phạm Sĩ Chiến khẳng định: “Việc gửi kiến nghị 1333/KSĐT-TA ngày 18/9/1996 cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị hủy bỏ quyết định tập trung cải tạo đối với Trương Văn Cam là thuộc chức năng của bị cáo chứ không phải là can thiệp sâu vào việc này. Tại thời điểm ban hành kiến nghị trên, bị cáo nhận thức là hoàn toàn có căn cứ và đúng thẩm quyền. Đến bây giờ, sau khi chuyên án Năm Cam mở ra, bị cáo có nghiên cứu lại hồ sơ gốc và những hồ sơ có liên quan thì vẫn thấy kiến nghị lúc đó là đúng”. Tuy nhiên, HĐXX lại đọc lại lời khai trước đó của ông Chiến tại Cơ quan điều tra: “Đến bây giờ nghĩ lại mới thấy kiến nghị đó là không đúng”.
Tòa hỏi: “Những đơn khiếu nại khác có được tích cực giải quyết như thế không?”. Phạm Sĩ Chiến đáp: “Tích cực hay không là tùy thuộc vào cách đánh giá của HĐXX. Nhưng từ xưa đến nay số đơn khiếu nại về những vụ bắt tập trung cải tạo mà VKSND Tối cao nhận được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại thời điểm đó, bị cáo chỉ nhận được mỗi đơn kêu oan của Phạm Thị Trúc”. Tuy nhiên, chủ tọa công bố số liệu thống kê, vào thời điểm đó có tất cả 29 vụ việc kiến nghị về tập trung cải tạo, chứ không phải chỉ có một vụ Trương Văn Cam.
Về quan hệ với bị cáo Trần Mai Hạnh, Phạm Sĩ Chiến khai chỉ có biết nhau qua công tác giữa cơ quan báo chí và cơ quan pháp luật. HĐXX: “Trần Mai Hạnh gửi công văn đích danh cho bị báo. Bị cáo lý giải việc này thế nào?”. “Có lẽ Hạnh nghĩ có quen biết với bị cáo, và việc tập trung cải tạo thuộc phạm vi phụ trách của bị cáo. Gửi cho ai là quyền của anh Hạnh, bị cáo không biết”.
Liên quan đến dàn máy nghe nhạc Trần Văn Thuyết khai đã lắp đặt tại nhà Phạm Sĩ Chiến nhưng không lấy tiền, bị cáo cho rằng lời khai đó không đúng. “Năm 1998, con gái bị báo là Phạm Thị Hòa nói với vợ bị cáo là muốn mua máy để học tiếng Anh. Do có quan hệ xã hội với Thuyết nên vợ bị cáo nói Hòa điện thoại nhờ Thuyết mua dùm. Sau đó Thuyết chở máy đến ráp, chỉ cho Hòa cách sử dụng và vợ bị cáo đã trả đủ tiền”. Bà Phạm Thị Chức (vợ ông Chiến) được hỏi sau đó cũng khẳng định lời khai của chồng là đúng và nói thêm: “Sau khi Thuyết lắp máy xong, tôi mời chú Thuyết uống nước và hỏi giá tiền bao nhiêu. Chú Thuyết nói là máy cũ rồi, giá chỉ có 7 triệu đồng thôi. Tôi lên lầu lấy tiền trả ngay cho chú Thuyết lúc đó luôn. Còn việc chú Thuyết khai thì chắc lâu quá chú Thuyết quên. Việc nói Hòa mua là không đúng vì làm sao con gái tôi có tiền để trả”. HĐXX lại công bố lời khai của bà Chức và con gái tại cơ quan điều tra với nội dung mâu thuẫn với những lời mà bà Chức và ông Chiến vừa nêu.
Chiều 28/3, các luật sư tham gia thẩm vấn những bị cáo liên quan đến vụ đưa và nhận hối lộ này. Luật sư Đặng Văn Luân (bào chữa cho Trần Mai Hạnh) hỏi Hiệp rất nhiều về đặc điểm phòng làm việc của ông Hạnh để làm sáng tỏ có hay không việc Thuyết dẫn Hiệp đến tờ Nhà Báo & Công Luận đưa đơn kêu oan. Với câu hỏi: “Anh hãy tả lại căn phòng làm việc của ông Hạnh ở tòa soạn như thế nào: gạch lát màu gì, phòng nằm ở đâu?” Hiệp sau một hồi nghĩ ngợi đành trả lời: "Không thể nhớ nổi". Tuy nhiên bị cáo này vẫn một mực khẳng định đã cùng Thuyết tới tòa soạn gặp ông Hạnh. Ngoài ra, bị cáo Tôn Vĩnh Đắc (Long “Đầu Đinh”) còn nhắc lại là từng nghe Hiệp cằn nhằn: “Tại sao đồng hồ Rolex để biếu cho bác Hạnh mà ông Thuyết lại đeo?”.
![]() |
Luật sư Phạm Hồng Hải (phải) và Nguyễn Quang Hiền. |
Bào chữa cho Phạm Sĩ Chiến, luật sư Nguyễn Quang Hiền hỏi Nguyễn Thập Nhất: “Anh có đặt vấn đề giúp đỡ Năm cam với ông Chiến không?”. “Thưa HĐXX không có”. Luật sư quay sang hỏi Trần Văn Thuyết: “Dàn máy bị cáo khai mang đến lắp tại nhà ông Chiến đã có sẵn trong kho hay lúc đó mới xuống Hải Phòng mua?”. “Thưa, đã có sẵn”. “Mua từ thời gian nào?”. “Là nhà kinh doanh nên có rất nhiều hàng mua vào, bị cáo không nhớ chính xác được thời gian”. “Giá mua ở Hải Phòng dàn máy đó là bao nhiêu?”. “Khoảng 27, 28 triệu đồng”. “Là nhà kinh doanh nhưng sao anh không lấy lãi?”. “Nghĩ là việc cám ơn ông Chiến nên tôi không tính lãi. Tôi khẳng định dàn máy lắp năm 1996 chứ không phải năm 1998 như bà Phạm Thị Chức (vợ Phạm Sĩ Chiến) đã khai. Cũng như chưa bao giờ tôi nhận tiền từ bà Chức. Có lẽ bà Chức nhớ nhầm”.
Luật sư Nguyễn Quang Hiền không đồng ý với việc tính giá trị dàn máy nhạc trong cáo trạng, cho rằng có thể Thuyết đã khai khống giá trị thật. Vì vậy luật sư và vợ chồng bị cáo Phạm Sĩ Chiến kiến nghị VKS kiểm định giá trị dàn máy. Vấn đề này, đại diện VKS trả lời: “Cáo trạng không ghi dàn máy là vật chứng mà chỉ ghi là tài sản thu giữ nên quyền xem xét, kiểm định thuộc về HĐXX”. Bác lại câu nói của đại diện công tố, Phạm Sĩ Chiến cho rằng nếu không xem đó là vật chứng thì làm sao truy tố được. Chủ tọa phải lên tiếng yêu cầu hai bên dừng lại và vấn đề này để lại tranh luận sau.
Bào chữa cho Trần Văn Thuyết, luật sư Nguyễn Văn Trung hỏi Phạm Sĩ Chiến: “Bị cáo có nghĩ rằng Thuyết đủ khả năng và thế lực tác động để bị cáo ký các kiến nghị gửi Bộ Nội vụ không?”. Bị can Chiến: “Khi ký kiến nghị 1333, bị cáo không hề bị tác động bởi bất cứ cá nhân hay tổ chức nào. Hơn nữa Thuyết cũng chưa bao giờ đặt vấn đề nhờ chạy tội cho Năm Cam với bị cáo”. Câu hỏi này của ông Trung lập tức bị đại diện công tố phản bác: “Hỏi vào hành vi phạm tội thì tất nhiên bị cáo sẽ phủ nhận. Câu hỏi vi phạm luật tố tụng”. Chủ tọa phiên tòa đồng tình với bên công tố, nhắc nhở các luật sư chấp hành luật tố tụng. Phản ứng lại cách tổ chức xét hỏi này, luật sư Trung cho biết sẽ có đơn phản đối VKS. Ông khẳng định mình hoàn toàn có quyền đặt các câu hỏi gỡ tội cho thân chủ.
Thứ hai (31/3), toà án sẽ tiến hành thẩm vấn các bị cáo có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bị cáo Bùi Quốc Huy, nguyên thứ trưởng Bộ Công an; Dương Minh Ngọc, Trưởng phòng CSHS và Nguyễn Mạnh Trung, phó phòng CSĐT Công an TP HCM... sẽ phải trả lời về các hành vi mà cáo trạng buộc tội.
Nghĩa Phương