Phạm Nguyên Cần - người của phim trường
Ông là họa sĩ thiết kế của hơn 20 bộ phim như Gánh xiếc rong, Lương tâm bé bỏng, Ai xuôi vạn lý... và 3 tháng trở lại đây, Phạm Nguyên Cần là trợ lý thiết kế cho phim Người Mỹ trầm lặng. Báo Văn Hóa đã có dịp trò chuyện cùng nghệ sĩ này.
- Trong thời điểm điện ảnh Việt Nam chỉ sản xuất rất ít phim nhưng ông vẫn liên tục nhận được những hợp đồng làm phim trong và ngoài nước, phải chăng đó là sự may mắn?
- Tôi không biết mình có được quý nhân phù trợ hay không nhưng ngoài việc chuyên tâm vào công việc của mình, tôi luôn đặt ra nhiệm vụ phải học tất cả những gì liên quan đến thiết kế mỹ thuật và tài chính. Làm họa sĩ thiết kế điện ảnh ở nước ta, ngoài việc giỏi thiết kế như một kiến trúc sư, biết xây dựng như một kỹ sư xây dựng... còn phải là một nhà kế toán giỏi.
- Ông biết chi tiêu hợp lý nên được các chủ nhiệm phim tin tưởng?
- Không hẳn, ai làm nghề của tôi cũng phải liệu cơm gắp mắm. Người làm nghề này phải có một cái tâm tốt, biết làm bối cảnh phim trường có hiệu quả trong một lượng kinh phí giới hạn. Cực nhọc lắm, nhiều đồng nghiệp của tôi đã chuyển sang công việc khác an nhàn hơn.
- Vậy làm phim với các hãng phim nước ngoài có kinh phí lớn như "Người Mỹ trầm lặng" sẽ bớt cực nhọc?
- Tôi đã từng tham gia trong Người tình (Pháp), Khoảnh khắc lóe sáng (Nhật). Khi làm phim với nước ngoài không phải tính toán chi li, so đo từng đồng khi thực hiện bối cảnh nhưng họ đòi hỏi trình độ của người cộng sự rất cao, hơn thế họa sĩ thiết kế phải am hiểu văn hóa và có kiến thức rộng.
- Là người gắn bó lâu năm với điện ảnh, ông muốn nói gì về phim trường nước ta?
- Điện ảnh Việt Nam còn nghèo. Vì vậy, ta nên xây dựng những bối cảnh quay có quy mô nhỏ. Nếu có thể, nên dừng làm phim truyện trong 1-2 năm để xây dựng một cơ sở hạ tầng tốt.
- Xin cám ơn ông!
(Theo Văn Hoá, 21/2).