- Truyện “Máu của lá” in trên báo Văn Nghệ là do anh sáng tác?
- Không phải do tôi sáng tác, đó là truyện của một người bạn gái thân (có hoàn cảnh như nhân vật nữ chính trong truyện) gửi cho tôi.
- Anh có thể kể rõ hơn?
![]() |
Nguyễn Văn Quân. |
- Cuối năm 2002, lúc đó tôi đang ở Trung đoàn 48 Sư đoàn 320, tôi xuống Quy Nhơn thăm bạn là Phạm Thị Kim Nhung. Cô ấy đưa cho tôi một truyện ngắn có tên “Máu của lá” và đề là: “Thân tặng bạn, khi nào đọc xong cho ý kiến nhé!”.
Tôi đọc suốt dọc đường từ Quy Nhơn về Pleiku và đã khóc rất nhiều, vì truyện giống như hoàn cảnh của Nhung. Nhung là người dị tật bẩm sinh, nên bạn bè nhìn cô ấy bằng con mắt không bình thường. Lúc đó, Nhung là sinh viên Đại học Sư phạm Quy Nhơn.
- Và anh tin đấy là truyện của Nhung viết?
- Tôi rất tin, vì truyện giống như cuộc đời của bạn tôi. Cô ấy sống chung với dị tật bẩm sinh, bố đẻ chết vì ung thư di căn, anh trai cũng ung thư. Mẹ vụng trộm đi bước nữa, có thêm đứa em trai, nhưng không được chấp nhận, một mình bà bươn chải kiếm sống nuôi cả gia đình. Hơn nữa, hồi còn đi học, Nhung từng thi văn Quốc gia, mơ ước của cô ấy trở thành một nhà văn hay một người nghiên cứu văn học.
- Anh đã gửi truyện này đi những đâu?
- Năm 2002, tôi gửi truyện này đi nhiều nơi, tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Văn Nghệ và một số tờ báo khác. Lúc đó tôi có một niềm tin: truyện ngắn của bạn tôi viết rất hay, sẽ có báo đăng. Sau đó bẵng đi thời gian dài, không một báo nào in truyện “Máu của lá”.
Năm 2005, tôi ra quân, vô tình lục lại trong thư từ, thấy truyện này, tôi nhờ bạn bè gõ vi tính và gửi đi. Lần này tôi vẫn gửi cho tạp chí Văn nghệ Quân đội, Văn Nghệ Trẻ, Văn Nghệ... Nhà văn Nguyễn Đình Tú (ở tạp chí Văn nghệ Quân đội) có đọc truyện “Máu của lá” do tôi gửi và nói: “Truyện viết sến, không có thật. Em ở trong lính, em hiểu về lính rồi, em viết được cái nào hay thì gửi qua nhé!”. Rồi tôi nhận được e-mail của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Chú ấy trao đổi về truyện “Máu của lá” chú đã biên tập và sửa chữa, hỏi ý kiến tôi để in, tôi đồng ý.
- Anh có biết truyện ngắn đó đạo tác phẩm của nhà văn Võ Thị Hảo không?
![]() |
Bìa tập sách "Người sót lại của rừng cười" của Võ Thị Hảo, trong đó có truyện ngắn "Máu của lá". |
- Tôi không hề hay biết điều ấy cho đến khi đọc bài trả lời phỏng vấn của cô Võ Thị Hảo trên báo VnExpress. Tôi đã e-mail ngay cho báo, mong được giãi bày vấn đề này.
Tôi rất bàng hoàng. Tôi nghĩ cho mình thì ít, mà nghĩ đến tai tiếng gây nên cho nhà văn Trung Trung Đỉnh thì nhiều. Tôi thấy mình có lỗi với chú Đỉnh, với cô Võ Thị Hảo, với báo Văn Nghệ cùng những người viết văn. Tôi thấy mình sai rõ ràng, và không bao biện hành động sai của mình. Tôi muốn qua báo chí để xin lỗi và chấp nhận mọi hình thức xử lý.
- Sao anh không lấy tên tác giả là cô bạn Nhung mà lại là Phạm Minh Phong?
- Tên của tôi là Nguyễn Văn Quân. Tôi lấy bút danh Phạm Minh Phong vì Phạm là họ của Nhung, cuộc đời của Nhung như phong ba bão táp, tôi muốn để chữ Minh phía trước mong cuộc đời cô ấy sáng sủa hơn. Đây là món quà Nhung tặng tôi, nhiều lần tôi muốn gửi báo đăng, Nhung có gàn, nhưng tôi thấy truyện đó có giá trị lớn về mặt tinh thần đối với chúng tôi. Tôi rất muốn được đăng, để chia sẻ với người bạn ấy.
- Vậy sau khi “Máu của lá” được đăng báo, anh đã liên hệ lại với Nhung để sẻ chia?
- Tôi chưa liên hệ lại được, còn tiền nhuận bút nhận được là 400.000 đồng, lúc đó tôi nghĩ đợi em trai của Nhung ra Hà Nội sẽ đưa gửi về cho Nhung.
Tôi có lời xin lỗi mong VnExpress làm diễn đàn gửi giúp. Truyện “Máu của lá” của cô Võ Thị Hảo vẫn là truyện của cô. Tôi và Nhung luôn biết ơn cô, vì những năm tháng đi học, chúng tôi đã có một niềm tin để dựa vào, để sống. Gần như truyện của cô đã nâng đỡ được cho chúng tôi. Tôi biết ơn cô nhiều và xin chịu trách nhiệm trước sai lầm “đạo văn” này.
Nhung là một người phụ nữ chịu nhiều khổ sở, tôi cũng mong cô đừng trách Nhung, vì bây giờ Nhung đang ở trong rừng sâu, dạy trẻ nhỏ ở Vừa A Dính - Đăk Son - Đăk Nông. Nhung chưa hề biết chuyện này, nếu cô ấy biết, cô ấy sẽ sốc. Lỗi này là do tôi, Nhung luôn can tôi không nên gửi truyện “Máu của lá” lên báo, vậy mà tôi vẫn gửi. Chỉ tôi là người có lỗi...
Từ Nữ thực hiện