- Anh gặp khó khăn gì khi thực hiện liveshow mừng thọ 86 tuổi của nhạc sĩ Phạm Tuyên sắp tới?
- Trước đây, tôi đã làm nhiều show về nhạc của anh Trịnh Công Sơn. Mỗi khi bắt tay vào, tôi chẳng bao giờ phải hỏi ý kiến gia đình anh về các cách thể hiện lẫn chiêu trò sân khấu. Anh Sơn lúc sinh thời hay gia đình anh cũng như nhà sản xuất đều để tôi thoải mái. Họ biết tôi có bay bổng thế nào vẫn không ra khỏi các chất nhạc của anh ấy.
Còn với show của bác Phạm Tuyên thì khác. Đây là lần đầu tôi thực hiện chương trình về nhạc sĩ này nên trước khi bắt tay, tôi dành thời gian tìm hiểu rất kỹ, tham vấn rất nhiều nguồn. May là tôi có người thân của ông cùng đội ngũ cộng sự hùng hậu bên cạnh nên bớt lo lắng. Họ giúp tôi những chất liệu thực sự cần thiết để dàn dựng nên chương trình.
- Anh cảm nhận thế nào về chất nhạc của Phạm Tuyên?
- Trong âm nhạc, Phạm Tuyên không viết về những chiêm nghiệm cuộc sống của cá nhân, không quá trăn trở với thân phận và triết lý cuộc đời trong tình yêu hư ảo. Ông dùng tài năng thiên bẩm, sự nhạy bén về thời cuộc và lý tưởng sống để kết hợp với những rung cảm, làm nảy ra những giai điệu vào đúng thời điểm mà đời sống cần chúng nhất. Giai điệu và ca từ của ông rất đẹp và thật như cuộc sống lúc đó đang diễn ra.
Nếu Phạm Tuyên viết nhạc khiến trái tim rung động dâng máu hừng hực lên trí óc, Trịnh Công Sơn lại khiến người nghe nhức nhối cái đầu nhưng sau đó là những cơn co thắt bóp nghẹt trái tim. Hai nghệ sĩ theo đuổi lý tưởng sống riêng nhưng có một tài chung là cách gieo vần điệu rất dễ nghe và vòng hòa âm không phức tạp. Nhờ đó, khán giả dễ rung động, thuộc và hát nghêu ngao theo được ngay.
- Anh sẽ làm gì để "vẽ" được chân dung về âm nhạc lẫn con người của nhạc sĩ Phạm Tuyên?
- Những ca khúc ông viết tôi đã nghe và đều có sẵn trong đầu, mỗi lần nhắc đến là tự vang lên. Tôi nghe và thuộc lòng nhiều bài hát của Phạm Tuyên từ tấm bé.
Chưa bao giờ được tiếp xúc với ông nhưng những câu chuyện về gia đình lớn của nhạc sĩ thì tôi biết khá nhiều bởi tôi là người mê lịch sử. Bên cạnh đó, tôi cũng chơi thân với con trai của cụ Phạm Khuê - anh của nhạc sĩ Phạm Tuyên - nên hiểu biết tương đối về gia đình, từ thời cụ Phạm Quỳnh trở đi. Sau này, tôi còn quen thêm Phạm Hồng Tuyến - con gái nhạc sĩ. Cô ấy là sinh viên cùng thời ở Nga với tôi ngày trước.
- Bên cạnh việc khắc họa đúng con người, chất nhạc của Phạm Tuyên, anh sẽ làm gì để vẫn chiều lòng thị hiếu khán giả đại chúng ở liveshow?
- Tôi sẽ cố gắng làm cho khán giả ít thấy vai trò đạo diễn nhất. Cái họ cần là nghe và cảm về âm nhạc Phạm Tuyên sao cho thật hay chứ không phải xem chiêu trò sân khấu. Để chiều lòng khán giả, tôi nghĩ phải tiết chế chiêu trò và giấu đi cái tôi của đạo diễn, đồng thời thể hiện được tinh thần âm nhạc, "vẽ" ra được chân dung nhạc sĩ.
Đối với các show riêng của nhạc sĩ, ca sĩ nói chung và nghệ sĩ lớn nói riêng, sự hào nhoáng, làm màu, chiêu trò vượt khỏi khuôn khổ nội dung, mang nặng tính hình thức theo tôi là không cần thiết. Ca sĩ trẻ vẫn còn thích dùng sự hào nhoáng kiểu phần nhìn át phần nghe. Nhưng với nhạc sĩ lớn thì khác. Tên tuổi họ đã gắn với các bài hát đi cùng năm tháng. Họ có thành phần khán giả trung thành riêng để đến nghe và thưởng thức nhạc của họ.
Tuy nhiên, sân khấu nào cũng cần tính biểu tượng, đêm nhạc Phạm Tuyên cũng không ngoại lệ. Tôi chỉ có thể tiết lộ liveshow Phạm Tuyên sẽ là một chương trình mộc, tinh tế, bất ngờ và đầy cảm xúc.
liveshow mừng thọ Phạm Tuyên mang tên "Nhớ và quên" sẽ được tổ chức tại Hà Nội tối 14/1/2017. Khách mời trong đêm nhạc là những giọng ca vang bóng một thời như NSND Trung Kiên, NSND Trần Hiếu và NSND Thanh Hoa. Chương trình còn có ca sĩ Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Lan Anh, Thanh Lam, Tùng Dương, Thắng Lợi, quán quân The Voice Kids 2016 - Nhật Minh, Jayden Trịnh - top 5 Vietnam Idol Kids 2016...
Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930. Ông là tác giả của những ca khúc nổi tiếng như Tiến lên đoàn viên (1954), Chiếc đèn ông sao (1956), Trường cháu là trường mầm non (1973), Cô và mẹ (1975), Chú voi con ở bản Đôn (1983), Cánh én tuổi thơ (1987), Chiếc gậy Trường Sơn (1967), Như có Bác trong ngày vui đại thắng (1975)… |
>> Xem thêm:
Cuộc đời nhạc sĩ Phạm Tuyên qua hồi ký của người vợ quá cố
Con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên: 'Khi mẹ mất, bố tôi không dám ra khỏi nhà'