-
Nhà văn Nguyên Ngọc kể, một lần Phạm Hổ đến chơi nhà, ông hỏi cô con gái lên 10 của mình "Con biết ai đây không?". Cô bé vòng tay: "Cháu chào bác Chuyện hoa chuyện quả ạ". Khoảng 100 chuyện sự tích hoa quả, giống như những cổ tích mới của Phạm Hổ, dẫn dắt trẻ thơ vào thế giới thiên nhiên - con người, đang được NXB Kim Đồng tái bản thành hơn 30 tập.
Ai từng có tuổi thơ hầu như đều thuộc và yêu bài thơ: "Mười quả trứng tròn/Mẹ gà ấp ủ/Mười chú gà con/Hôm nay ra đủ.../ơi chú gà ơi/Ta yêu chú lắm..." (Mười quả trứng tròn), hoặc: "Mình đỏ như lửa/Bụng chứa nước đầy/Tôi chạy như bay/Hét vang đường phố..." (Xe cứu hỏa) của Phạm Hổ.
Còn đây là tâm sự của nhà thơ được các em yêu mến: "Suốt đời tôi chỉ mơ được làm cho các em những bài thơ nho nhỏ - như những hòn bi xanh đỏ các em chơi...".
Những mẩu chuyện này, với cách kể rất riêng này, đã sớm gieo được mầm thiện, mầm đẹp cho những tâm hồn non trẻ. Cũng như những quan sát tinh tế, triết lý giản dị: "Cành lá dễ xôn xao, sôi nổi/ Gốc rễ thường trầm lặng, sâu xa"...
Có loài quả "Tên roi mà tươi mát" thì có nhà thơ "Tên nghe thì dữ mà người hiền khô", đó là nhận xét của bạn bè đồng nghiệp về ông. Năm nay nhà thơ của các em đã 79 tuổi, vẫn làm việc chăm chỉ, tiếng Pháp vẫn nói làu làu.
Nhà thơ Phạm Hổ qua câu chuyện của con gái
Phạm Hổ có ba người con gái, đặt tên là Phạm Sông Hồng, Phạm Sông Hương, Phạm Sông Đông. Trong ba chị em, Phạm Sông Hồng thích viết truyện mini. "Cha chị tính tình chắc trẻ lắm", "Hơi quá là khác"- người viết mini cười to.
"Đoàn Giỏi nhận xét truyện Phạm Hổ đẹp từ hình thức đến nội dung. Trong đời thường, khi làm cha, ba chị là người thế nào?"
"Tôi nhớ nhất những kỷ niệm hồi sơ tán chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Ba tôi đặc biệt yêu gà, hay làm thơ về gà. (Cả gia đình gần như không ăn thịt gà). Một lần ông đi chợ, chọn mua được con gà ri xinh lắm, lông vàng óng, đuôi cong, dáng rất kiêu sa, đặt tên Liza. Ông thường ngắm con Liza đi lại không chán mắt, đến nỗi tận bây giờ tôi vẫn còn hình dung ra dáng dấp của con gà ấy.
Ông không cho con Liza được ấp trứng, sau này tôi mới hiểu ông không thích hình ảnh xác xơ của con gà mái mẹ, không muốn hình ảnh Liza bị xấu đi. Ông yêu cái đẹp, còn Liza té ra là tên một nhân vật trong "Chiến tranh và hòa bình".
Sự thực là nếu không từng có một con gà có tên như thế trong tuổi thơ, khéo sau này lớn lên tôi cũng chẳng tìm đọc tiểu thuyết của L.Tonxtoi.
Hồi xưa ai cũng nghèo. Nhà có bộ bàn ghế là đồ thanh lý của cơ quan, dùng năm này sang năm khác đến mộng cũng long cả ra. Cứ đến tết là ba tôi lại lấy giấy màu dán lên những chỗ mối mọt, trang trí đủ kiểu khiến mấy chị em có cảm giác nhà có bàn ghế mới. Ông có học họa, từng là học trò cưng của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung nên rất biết cách cắt dán sao cho đẹp.
Ông thích trồng phong lan. Lần nọ sáng ra tỉnh dậy, kẻ trộm đã khiêng mất giò hoa mới nở. Ngẩn ra vì buồn và tiếc, ông bèn lụi hụi ngồi viết lên tờ giấy "Lấy cây của người khác là không tốt"... rồi găm vào từng chiếc giỏ.
"Ba làm thế làm gì. Tối trời kẻ trộm không thể đọc được, mà giấy tờ thì có giá trị gì". "Sao con lại mất lòng tin về con người như vậy. Đọc được mảnh giấy của ba người ta không nỡ đâu". Sáng sau ra, bao nhiêu giò phong lan mất nốt, mất cả hoa lẫn giấy.
Khi còn bé, mấy chị em nghe cha mẹ nói chuyện thỉnh thoảng lại thấy nhắc "ác- giăng", mãi sau mới biết, đó là "tiền" (Argent - tiếng Pháp). Bất cứ khi nào bàn chuyện chi tiêu trước mặt con, ba mẹ đều nói tránh như vậy.
Nhưng sự ảo tưởng, ngây thơ về tiền bạc của ông cụ quả thực làm cả nhà khốn đốn. Nhà phê bình Vương Trí Nhàn nói: "Ông Hổ nhìn cuộc đời qua một tấm kính, thấy nhưng không sờ được" là cực kỳ chính xác.
Theo quan niệm của ông, cứ cái gì dính đến tiền là xấu. "Ba mẹ nuôi các con lớn, cho các con cái đầu vậy mà con lại dùng nó để kiếm tiền làm giàu" (với ông có một vài chỉ vàng là đồng nghĩa với giàu). Gần như ông không hiểu và không chấp nhận giá trị của đồng tiền. Mỗi khi tôi mua sắm một đồ đạc gì đó cho cha mẹ, thì ông luôn có kiểu hỏi để lần sau khỏi mua nữa.
Hai năm gần đây ông ốm nặng tưởng khó bề qua khỏi, phải nằm Bệnh viện Hữu nghị. Thuốc thì chủ yếu Nhà nước lo, nhưng một hộp sữa Ensure, ông không ngờ lại nhiều tiền đến thế. Có lúc ông nói "Ba có lỗi với các con", nhưng khỏe dậy thì lại quên ngay, lại lơ ngơ như cũ.
Chăm sóc ba trong bệnh viện có lần tôi đưa chút bồi dưỡng gọi là tỏ lòng cám ơn một bác sĩ tận tình, nhưng anh ấy nói: Chúng em từ bé đã đọc thơ cụ, chị bảo có thể cầm tiền được sao?".
(Nguồn: Tiền Phong)