Phạm Anh Khoa mang đến phong cách dữ dội, phóng khoáng khi thể hiện bài hát nhạc sĩ Trần Tuấn Hùng viết tặng anh - Ước muốn. Trên nền giai điệu mạnh với nhiều lớp bè chồng, anh gằn giọng, vung tay, lắc người khuấy động không khí.
"Có những tháng năm trôi thật lặng lẽ
Có những áng mây che ngang bầu trời...
Cuộc sống không thấy màu hồng...
Tôi không thấy bóng tối và đêm đen trên đường tôi đi..."
Màn diễn là lần trở lại hiếm hoi của Phạm Anh Khoa từ khi vướng scandal quấy rối tình dục năm 2018. Khi Trần Tuấn Hùng gửi ca khúc cho Phạm Anh Khoa, anh nghẹn ngào hỏi: "Anh viết bài này cho em à?". Ca sĩ nói: "Tôi có nhiều ước muốn đang xếp hàng chờ, sau thời gian dài muốn được làm nghề nhưng phải gác lại. Khi được đứng dưới mái nhà của anh em Bức Tường, tôi rất vui, hy vọng có thể tiếp tục giữ ngọn lửa của rock Việt".
Nhạc sĩ Trần Tuấn Hùng nói họ chọn Phạm Anh Khoa vì anh là người có nguồn năng lượng dồi dào, luôn truyền cảm hứng cho cả nhóm. Họ gặp một số khó khăn vì ca sĩ là người miền Trung, nói tiếng miền Nam, thỉnh thoảng gặp một số khó khăn khi phát âm theo kiểu Bắc khi hát rock.
Phạm Anh Khoa và Bức Tường còn thể hiện nét trữ tình qua các bài hát Tuổi bé thơ, Bình yên. Ở các ca khúc này, phần nhạc được tiết chế hơn, để Phạm Anh Khoa có đất thể hiện giọng hát bay bổng. Hai nhạc sĩ sáng tác album - Trần Tuấn Hùng và Vũ Hà - giữ lối viết giàu triết lý, những hình ảnh ẩn ý về cuộc đời, cõi nhân sinh. Bài Bình yên có đoạn: "Khi ta biết lúa chín là lúa cúi đầu, buông bỏ là cách để ta vơi cả núi sầu". Vũ Hà nói các ca khúc mới của nhóm "bắt tai" và "thời trang" hơn, khi vận dụng nhiều phần nhạc điện tử.
Buổi giới thiệu dành nhiều khoảng lặng để nhớ về nhạc sĩ Trần Lập - cố thủ lĩnh của nhóm. Phạm Anh Khoa nhớ kỷ niệm năm 2006 - anh xin phép nhạc sĩ Trần Lập sử dụng ca khúc Ra khơi, tạo dấu ấn trong chương trình Sao Mai Điểm hẹn. Trong ký ức của anh, cố nhạc sĩ vừa là thần tượng, vừa là người anh hiền hòa, dễ mến. "Tôi xin lỗi nếu sự xuất hiện của mình làm phiền những ai yêu anh Trần Lập. Tôi sẽ hát dưới một góc khác nhưng tin rằng vẫn có thể truyền tải những ý nguyện mà Bức Tường muốn từ những ngày đầu thành lập", Phạm Anh Khoa nói. Từ khi Trần Lập qua đời, Bức Tường không có ca sĩ chính, họ cộng tác với nhiều nghệ sĩ trong mỗi dự án.
Trần Tuấn Hùng viết ca khúc Ly cafe không đường tặng cố thủ lĩnh nhóm, vì nhớ về những ngày họ ngồi bên nhau, mỗi người một việc nhưng cảm giác an tâm vì có người đồng hành bên cạnh:
"Dòng người vội vã, cuộc sống vẫn cứ trôi
Từng ngày mang đến những hy vọng
Bài ca anh viết dấu ấn với tháng năm
Ngày vinh quang đến cùng trở về bên nhau
Ngày vinh quang đến cùng trở về bên nhau..."
Những con đường không tên - ca khúc chủ đề của album mới - gợi nhiều hoài niệm về chặng đường 25 năm của ban nhạc. Trần Tuấn Hùng nhớ khi Trần Lập qua đời năm 2016, ban nhạc mất định hướng, suýt tan rã. Cuối cùng, nhờ sự động viên của nhiều khán giả, bạn bè, họ lại tiếp tục bước đi trên một "con đường không tên". Dù không có mục đích rõ ràng, họ hạnh phúc vì có nhiều tri kỷ đồng hành trên con đường ấy.
Một số khách mời xuất hiện, ôn lại kỷ niệm với nhóm. MC Anh Tuấn mặc chiếc áo có in hình quảng bá liveshow cuối cùng của Trần Lập. Nhà báo Lại Văn Sâm nhớ Bức Tường gắn với các chương trình SV96 đến SV 2000, với các ca khúc Bình minh sinh viên, Đường đến ngày vinh quang.
Trong dòng cảm xúc ấy, Nhất Hoàng - giọng ca đời đầu của ban nhạc - xuất hiện. Anh hòa giọng với nhóm trong ca khúc Trở về, We Are The Wall Band, khiến người hâm mộ xúc động khi nghe lại chất rock thô mộc gắn với họ từ thập niên 2000. Đêm nhạc kết thúc trong dư âm của ca khúc Tháng 10. Giai điệu bài hát mạnh mẽ ở phần đầu và lắng đọng về cuối, gợi cảm xúc man mác cho người nghe:
"Tháng 10, hàng cây trút lá, trong gió heo may mùa đông gọi về
Tháng 10, vội vàng đi qua, mang những cơn mưa thời gian không phai màu..."
Hà Thu