Giàn khoan dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông. Ảnh: PVN |
Phát biểu trên do Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ, ông Shri Ahamed, đưa ra trong một văn bản hồi đáp chính thức ngày 4/5 tại Rajya Sabha (Thượng viện Ấn Độ), TTXVN đưa tin.
Trong một diễn biến khác, thông cáo của Cục thông tin báo chí thuộc Chính phủ Ấn Độ ngày 4/5 nêu rõ các hoạt động của công ty ONGC Videsh (Ấn Độ) trong dự án hợp tác thăm dò dầu khí với phía Việt Nam tại Biển Đông chỉ mang tính chất thương mại. Công ty dầu khí ONGC Videsh cùng các công ty Việt Nam đã tham gia các hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông từ năm 1988 tới nay.
Trong buổi họp báo tại Hà Nội hôm 3/5, Phó trợ lý của Ngoại trưởng Mỹ Walter Givhan cũng bày tỏ việc Mỹ ủng hộ giải pháp ngoại giao cho các tranh chấp trên biển. "Chúng tôi không cho rằng việc sử dụng vũ lực để đưa ra tuyên bố chủ quyền là một điều hay", ông Givhan nói. Ông cho rằng các bên liên quan cần phải dựa vào luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Trong khi đó, hãng tin Reuters hôm 3/5 dẫn thông tin từ Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, cho hay giàn khoan khổng lồ Ocean Oil 981 của Trung Quốc sẽ chính thức đi vào hoạt động tại phía đông của Biển Đông sau 6 năm xây dựng. Ocean Oil 981 sẽ khoan dầu tại lô Liwan 6-1-1, cách Hong Kong khoảng 300 km, gần sát đảo Hải Nam và tương đối gần Philippines.
Ocean Oil 981 là một giàn khoan kiểu "nửa chìm nửa nổi". Nó hiện có thể hoạt động được ở độ sâu 1.500 m và được thiết kế để làm việc tốt tại độ sâu tới 2.371 m. Độ sâu giếng khoan tối đa của Ocean Oil 981 lên tới 12.000 m.
Động thái nói trên của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nước này đang có tranh chấp chủ quyền với Philippines tại bãi đá Scarborough/Hoàng Nham. Hai bên liên tục điều các tàu tới khu vực này, kể từ khi căng thẳng nảy sinh hôm 8/4. Cả Manila và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền đối với bãi đá hình móng ngựa không có người ở này. Scarborough/Hoàng Nham cách đảo lớn Luzon của Philippines khoảng 230 km về phía tây.
Hà Giang