Nội dung trên được Bí thư Tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu Ban quản lý đầu tư xây dựng tỉnh (chủ đầu tư dự án) sau khi lắng nghe ý kiến người dân tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn cho sân bay Long Thành, sáng 16/12.
Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn rộng 280 ha với quy mô 7.500 nền đất, phục vụ cho 4.300 hộ dân. Dự án khởi công năm 2019 và đưa vào hoạt động cuối năm 2021 với quy mô 28.000 người khi lấp đầy. Đến nay có 3.433 hộ dân phê duyệt tái định cư, khoảng 1.300 nhà đã xây xong, hơn 800 hộ đang xây nhà.
Tuy nhiên, sau gần hai năm khởi công nhiều công trình trong khu tái định cư chưa hoàn thành ảnh hưởng cuộc sống người dân đã nhường nhà, đất cho dự án sân bay. Đáng chú ý các công trình trường học dở dang, phơi nắng mưa kéo dài, khiến học sinh ở đây phải sang học ở trường tại xã Bình Sơn và Lộc An.
Nói về nguyên nhân chậm thực hiện những công trình xã hội tại khu tái định cư, trong đó gồm các trường học, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết do ảnh hưởng của Covid-19 và "bão giá" khiến các nhà thầu gặp khó khăn, ngừng thi công kéo dài.
Bí thư Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết 5 ngày trước đã cùng lãnh đạo UBND tỉnh đi thị sát các công trình xã hội ở khu tái định cư này, đã đến tận các trường học thi công dang dở để nắm tình hình. Kế hoạch làm khu tái định cư sẽ xây 8 trường học (4 mẫu giáo, 2 trường tiểu học, 2 trường trung học cơ sở). Đến nay tiến độ các dự án đã chậm nên địa phương và chủ đầu tư phải cố gắng tháng 8/2023 phải xong, đưa vào sử dụng.
"Năm học tới không được chậm trễ nữa, các anh cần bám sát tiến độ thi công các trường để báo cáo, đặc biệt là tám trường này. Nếu chưa xong, những ai chịu trách nhiệm việc này lên gặp lãnh đạo Tỉnh ủy, xem có nên ngồi ghế đó nữa không", ông Lĩnh nói.
Về các vấn đề liên quan đền bù giải phóng mặt bằng, thẩm định giao đất tái định cư, hỗ trợ lao động việc làm của người dân Long Thành, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu UBND huyện cần rà soát và sớm hỗ trợ cho người dân, ổn định cuộc sống. Những khiếu nại của người dân cần được tiếp nhận, trả lời minh bạch, công khai.
Tại buổi đối thoại, khoảng 70 hộ dân còn sống trong công trường sân bay Long Thành nêu ra những khó khăn, bất tiện như bụi, đường lầy lội... Anh Lê Minh Quang, ở ấp 1, xã Bình Sơn, huyện Long Thành cho biết gia đình có 300 m2 đất bị thu hồi nhưng đến nay chưa được bố trí tái định cư. Gia đình hiện gặp nhiều khó khăn, bụi bẩn, bùn đất thường tràn vào nhà, đi lại hết sức nguy hiểm, máy móc thi công đỗ đất sát hông nhà...
Về vấn đề trên, ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết từ tháng 4/2021 đến 7/2022, địa phương đã xử lý 95% hồ sơ với 6.700 bộ (duyệt chi 13.700 tỷ đồng). Hiện, hơn 4% hộ dân chưa di dời do vướng cơ chế cũng như liên quan tranh chấp hợp đồng, thừa kế...
"Những hộ này phần lớn đang vướng chính sách về kiểm toán khiến quá trình kiểm duyệt bị chậm, tuy nhiên trong tháng 12 họ sẽ được giải quyết, đền bù để giao đất cho chủ đầu tư", ông Tiếp nói và cho biết việc xử lý hồ sơ ở dự án sân bay Long Thành cực kỳ phức tạp, công tác bồi thường không giống như các dự án khác nên mong người dân chia sẻ.
Sân bay Long Thành công suất 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Toàn bộ vốn đầu tư dự án khoảng 336.630 tỷ đồng (khoảng 16 tỷ USD). Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD), dự kiến hoạt động năm 2025. Hiện, công tác bàn giao mặt bằng được đẩy nhanh cùng với san nền, phấn đấu tháng 12 năm nay khởi công nhà ga hành khách.
Phước Tuấn