Ngay từ nhỏ, Sam Dogen đã muốn hiểu cách mọi người kiếm tiền để có thể sống như người giàu. Chàng trai theo học kinh tế tại Đại học William và Mary ở Virginia. Sau khi tốt nghiệp năm 1999, anh trở thành nhà phân tích tài chính ở Phố Wall.
"Ngày đầu đi làm tôi đã ở văn phòng 14 tiếng. Tháng đầu tiên thật mệt mỏi và căng thẳng, tôi nhận ra không thể tồn tại thêm 40 năm nữa ở đây", anh nói.
Với công việc này, Sam kiếm được 40.000 USD một năm. Để có thể nghỉ hưu sớm, anh tiết kiệm ngay khi nhận tháng lương đầu. Sam đầu tư một nửa số tiền lương mua cổ phiếu và 5% vào tài khoản tiết kiệm.
"Tôi đã tiết kiệm được nhiều vì sống rất tằn tiện", anh nói.
Chàng trai trẻ thường làm việc qua 19h để có thể vào căng tin công ty ăn miễn phí. "Tôi sẽ ăn tối ở đó và mang thức ăn thừa về nhà cho ngày hôm sau", Sam nói.
Giữa năm 2001, Sam được tuyển vào Credit Suisse và chuyển đến San Francisco, lương cơ bản tăng lên 85.000 USD. Lúc này anh tiết kiệm 60% lương, gửi tiền vào những nơi có lãi suất cao nhất mà không thể rút tiền trong thời gian cố định.
Ở tuổi 26, chàng trai mua một căn hộ hai phòng ngủ ở San Francisco, với mục tiêu đa dạng hóa tài sản. Anh sống cùng bạn gái để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Một năm sau, anh được thăng chức và thu nhập tăng vọt lên sáu con số, cộng với những khoản tiền thưởng lớn hơn. Lúc này anh tiết kiệm và đầu tư 70% thu nhập. Đến 2005, anh mua một căn nhà trị giá hơn 1,5 triệu USD.
Kiên trì kế hoạch đầu tư và tiết kiệm, nhưng cuộc khủng hoảng năm 2009 làm Sam sụt giảm 35 đến 40% giá trị tài sản. "Lúc này tôi bắt đầu viết blog
Financial Samurai như một cách chữa lành vết thương. Càng viết, tôi càng cảm thấy tốt hơn vì kết nối được với những người khác cùng trải qua nỗi sợ hãi trên con đường đi đến độc lập tài chính", anh chia sẻ.
Tháng 10/2011, Sam kiếm được mức lương cơ bản là 250.000 USD. Credit Suisse đã trải qua nhiều lần sa thải trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Anh biết đây là thời điểm để nghỉ hưu sớm.
Anh chủ động nói chuyện với cấp trên mong muốn bị sa thải để được nhận một gói trợ cấp thôi việc, đồng thời cam kết tiếp tục đào tạo nhân viên cấp dưới. Trong một năm trước lúc nghỉ việc anh thậm chí tiết kiệm 80% thu nhập.
Tháng 4/2012, Sam bị sa thải. "Cảm giác thật đáng sợ nhưng cũng giống như vừa trúng số. Khoản trợ cấp thôi việc đã trang trải chi phí sinh hoạt của tôi trong nhiều năm", anh cho biết.
Từ lúc này Sam chính thức nghỉ hưu ở tuổi 34 với 2,5 triệu USD. Anh kiếm được khoảng 80.000 USD thu nhập thụ động từ tiền cho thuê nhà, cổ tức và tiết kiệm. Năm 2015 vợ Sam cũng nghỉ hưu ở tuổi 35. Cặp vợ chồng tiếp tục tiết kiệm 50% thu nhập, chỉ tiêu 40.000 USD mỗi năm.
Khi con trai chào đời năm 2017, họ bắt đầu chi tiêu nhiều hơn. Và đến lúc vỡ kế hoạch có thêm con gái năm 2019, mức chi tiêu tăng không thể kiểm soát. Ban đầu họ tính toán chỉ tiêu dưới 100.000 USD một năm, nhưng hiện tại tiêu đến hơn 250.000 USD, vì có hai đứa con, lại sống ở San Francisco đắt đỏ.
"Hiện tại chúng tôi đang chi tiêu gần 100% thu nhập thụ động", Sam nói. "Tôi tin kế hoạch nghỉ hưu sớm của mình đã thất bại".
Nhìn lại, Sam thấy việc nghỉ hưu ở tuổi 34 là quá sớm. "Nếu có thể quay lại, tôi sẽ cố gắng kiên trì cho đến năm 40 tuổi", anh nói.
Dù vậy anh không chắc có sức khỏe ổn để làm việc tới lúc này, hoặc có thể nuôi dạy con tốt nếu đi làm không. Suốt những năm đi làm anh đã rất stress.
Sau 12 năm nghỉ hưu, Sam dự định sẽ đi làm trở lại khi con gái vào lớp 1, từ tháng 9 tới. Thử thách hiện tại là tìm một công việc bán thời gian có ý nghĩa. Từ đầu năm nay anh đã thử làm tư vấn bán thời gian tại một công ty khởi nghiệp fintech, song đã bỏ vì công việc cản trở việc làm cha của anh.
"Con sắp đi học, tôi biết mình cần phải làm gì. Vợ chồng tôi muốn đổi một căn nhà lớn hơn", ông bố hai con nói.
Bảo Nhiên (Theo Insider)