Quy định này được nêu tại khoản 3 điều 12 Thông tư 04/2020/TT-BTP, có hiệu lực từ ngày 16/7. Thông tư này thay thế thông tư 15/2015/TT-BTP hiện hành, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Theo đó, khi người dân yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích kết hôn, cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ cấp một bản. Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải thể hiện được họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn. Giấy có giá trị đến thời điểm thay đổi tình trạng hôn nhân hoặc 6 tháng kể từ ngày cấp, tùy theo thời điểm nào đến trước.
Thông tư hướng dẫn nội dung ghi ví dụ như sau: Giấy này được cấp để làm thủ tục kết hôn với anh Nguyễn Việt K, sinh năm 1962, công dân Việt Nam, Hộ chiếu số: B123456 do Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức cấp ngày 01/02/2020; tại UBND huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.
Luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn Luật sư TP HCM) cho hay nội dung của khoản 3 điều 12 "không phải là quy định mới". Khoản 5 điều 25 Thông tư 15/2015/TT-BTP đang có hiệu lực đã quy định người sử dụng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn "phải ghi rõ họ tên, năm sinh, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định làm thủ tục kết hôn".
Dù vậy, theo luật sư, quy định này đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải xem xét tính hợp lý, khả thi. Về cơ sở pháp lý, Luật Hộ tịch năm 2014 và Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch đều không có quy định chi tiết về nội dung của giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và cũng không bắt buộc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân sử dụng vào mục đích kết hôn phải phải ghi rõ họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn.
Do đó, việc ghi thông tin của người dự định kết hôn là quy định "phái sinh" so với Luật và Nghị định. "Điều này không đảm bảo tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật và có dấu hiệu vượt quá quy định của Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP".
Xét về tính hợp lý, quy định này cũng "không khả thi", bởi dự định kết hôn chỉ là ý định, chưa phải thông tin chính thức. Điều này có nghĩa khi chưa phải là thông tin chính thức thì có thể thay đổi. "Nhà nước ghi nhận thông tin chưa chính thức như vậy thì có ý nghĩa gì về mặt quản lý và muốn quản lý vấn đề gì?", luật sư nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có hiệu lực trong 6 tháng và trong thời hạn đó, việc thay đổi ý định, thay đổi mục đích sử dụng của giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cũng có thể xảy ra.
Luật sư Vũ nói rằng việc ghi thông tin của người dự định kết hôn còn khiến nảy sinh tình huống "người này có được biết về việc đó không và có ý kiến gì không?". Nếu họ không được biết, không có ý kiến mà vẫn ghi nhận vào giấy xác nhận thì có khả năng sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trước hết là về mặt nhân thân. Còn nếu người dự định kết hôn cũng phải biết và thể hiện ý kiến thì có thể sẽ phát sinh thủ tục thể hiện sự đồng ý ghi nhận vào giấy xác nhận.