Điều 472 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê. Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở 2014 quy định về công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở: Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì hợp đồng thuê nhà không bắt buộc phải công chứng, chứng thực, trừ trường hợp các bên có nhu cầu. Do đó hợp đồng thuê nhà giữa bạn và chủ nhà vẫn có hiệu lực và các bên phải tuân thủ thực hiện những nội dung đã ký kết trong hợp đồng.
Trong trường hợp xảy ra tranh chấp không thể thương lượng, hòa giải, bạn có thể làm đơn khởi kiện chủ nhà ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết tranh chấp.
Thủ tục khởi kiện và trình tự giải quyết vụ án được quy định cụ thể tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015, bạn có thể gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức: nộp trực tiếp tại Tòa án; gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính; gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có) để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội