From: Thang
To: xahoi@vnexpress.net
Sent: Saturday, June 19, 2004 9:28 AM
Subject: Day tieng Viet cho tre em o nuoc ngoai
Hầu hết các bậc cha mẹ đều muốn con em của mình biết nói, đọc, viết tiếng Việt lưu loát, nhưng trẻ em thì thường không nghĩ vậy. Bởi vì chúng học ở trường Mỹ rất nhiều, ngày nào cũng học từ sáng tới chiều (chứ không phải 1 buổi như ở Việt Nam), cuối tuần thì học giáo lý, học nhạc, học võ... vì thế chúng rất muốn có thời giờ nghỉ để đi chơi. Chúng không muốn học thêm những gì mà chúng nghĩ là không có ích cho chúng. Vì thế hầu hết các bậc cha mẹ bắt chúng đi học tiếng Việt, chứ không phải bởi vì chúng yêu thích tiếng Việt mà đi học.
Mặc dù mỗi tuần chỉ có thể học vài ba giờ tiếng Việt vào cuối tuần ở các trường Việt ngữ (mà các thầy cô đều là tình nguyện viên, không lương), có nhiều em học tiếng Việt rất giỏi bởi vì được cha mẹ theo sát, trò chuyện thêm, bắt làm bài tập, đọc sách thêm khi về nhà. Nhưng cũng có nhiều phụ huynh cho rằng học tiếng Việt là việc phụ, học được chữ nào hay chữ đó, nên bỏ lơi, chỉ việc đưa đón tới trường, hoàn toàn không quan tâm đến việc học của con em mình, và cho việc dạy tiếng Việt đó là của trường chứ không phải của mình. Hay tệ hơn nữa, coi trường là nơi giữ trẻ cho mình cuối tuần để họ có thì giờ riêng đi chợ, đi chơi.
Riêng về học sinh thì không ít em cho rằng việc học tiếng Việt là do bố mẹ bắt buộc, không có lợi ích hay ảnh hưởng gì đến việc học ở trường Mỹ, vì thế chúng không quan tâm đến điểm, cố tình không chịu học, hết năm này sang năm khác đều ở lại lớp. Điều đó có lợi cho chúng vì sẽ học đi học lại một cuốn sách mà chúng đã biết, và để thời giờ tập trung vào việc học trường Mỹ. Điều đó đôi khi làm ta ngạc nhiên khi thấy nhiều em học sinh Việt Nam đứng đầu trường Mỹ, đạt được điểm cao trong tất cả môn, nhưng khi đi học trường Việt thì luôn có điểm thấp, ở lại lớp liên miên mà chẳng có tự ái gì cả.
Vì thế nếu muốn trẻ em ở nước ngoài học tiếng Việt có hiệu quả, nhà trường dạy tiếng Việt là một yếu tố phụ, điều quan trọng nhất cần phải có là sự kết hợp giữa phụ huynh và học sinh. Phụ huynh phải theo sát việc học của con em, đồng thời phải vận động cộng đồng, vận động chính quyền, vận động trường học chấp nhận tiếng Việt như là một ngoại ngữ vào chương trình học chính thức. Khi các em thấy việc học tiếng Việt ở trường Việt được trường Mỹ chấp nhận như là một ngoại ngữ thì các em mới thấy ưu thế nói tiếng mẹ đẻ của mình, có lợi cho mình mà hăng say học tập hơn, ráng giữ điểm cao để có thể nộp cho trường Mỹ. Còn không thì chúng sẽ bỏ tiếng Việt mà lựa các thứ tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Nhật, Trung Hoa mà học vì điều đó có lợi cho tương lai của chúng.
Hiện nay chương trình VTV4 có chương trình dạy tiếng Việt, nhưng tôi nghĩ rằng không có hiệu quả vì những điểm sau đây: Chương trình hiện nay nghe rất chán và buồn ngủ. Giờ giấc không tiện, như ở miền đông nước Mỹ thì chương trình đó phát vào lúc các em đã đi ngủ. Chương trình giảng dạy bằng giọng miền Bắc, mặc dù đó là giọng chuẩn hiện nay tại Việt Nam, nhưng đối với các em trong các gia đình miền Trung hay Nam, khi nghe tiếng Việt chưa rành và phần lớn chỉ quen đối thoại với cha mẹ thì nghe giọng các miền khác là một điều khó khăn. Và hầu hết các em không muốn cố gắng nghe (cũng tương tự như người Mỹ không quen nghe giọng người Anh, người Australia... hay ngay cả trong nước Mỹ, rất khó nghe các giọng Texas, Louisiana...).
Nói tóm lại, dạy tiếng Việt không phải là vấn đề. Hiện nay, gần như ở bất cứ một cộng đồng nào ở nước ngoài cũng đều có nơi tình nguyện dạy tiếng Việt cho trẻ em. Vấn đề khó nằm ở chỗ tâm lý phụ huynh, học sinh và môi trường. Thêm nữa, dạy học nói, đọc, viết tiếng Việt không khó, chỉ cần vài ba tháng là được, nhưng để có vốn liếng từ vựng nhiều để có thể hiểu được sách báo và văn hóa Việt Nam, cần phải đọc sách tiếng Việt rất nhiều. Đó mới là điều khó khăn vì sách báo ngoại quốc quá phong phú mà chúng còn chưa có thời giờ để đọc hết, chỉ sợ không còn thời giờ cho sách tiếng Việt. Đó là chưa kể việc từ vựng Việt Nam hiện nay phát triển quá nhanh, sử dụng tiếng nói tắt, tiếng lóng quá nhiều, người lớn đọc báo Việt trên mạng thấy chữ lạ, tra quyển "Đại Tự Điển Tiếng Việt" đồ sộ mới nhất, mới mua từ Việt Nam mang qua mà còn không thấy chữ, thì không hiểu thì làm sao bọn trẻ chưa rành tiếng Việt có thể hiểu nổi.
Vài lời góp ý.