Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi hôm nay dẫn đầu phái đoàn nước này đàm phán với phái đoàn Mỹ do đặc phái viên phụ trách vấn đề Trung Đông Steve Witkoff dẫn đầu. Đây là cuộc đàm phán đầu tiên của quan chức Mỹ với Iran kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền.
"Các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ đã bắt đầu", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmail Baghaei cho biết, thêm rằng mỗi bên sẽ có một phòng riêng và trao đổi thông qua Ngoại trưởng Oman Sayyid Badr Albusaidi.
Bộ Ngoại giao Iran sau đó ra tuyên bố cho biết phái đoàn của Tehran đã "đối thoại trực tiếp trong vài phút" với phía Washington, thêm rằng cuộc đàm phán diễn ra "trong không khí xây dựng, tôn trọng lẫn nhau" và hai bên sẽ tiếp tục nỗ lực ngoại giao vào tuần sau.
Ngoại trưởng Oman, người làm trung gian cho phái đoàn Mỹ và Iran, cũng xác nhận cuộc đàm phán diễn ra trong không khí hữu nghị, khởi đầu cho nỗ lực hướng tới "thỏa thuận công bằng và có ràng buộc".
Quan chức Oman giấu tên cho biết các cuộc đàm phán tập trung vào mục tiêu giảm căng thẳng khu vực, trao đổi tù nhân và nới lỏng trừng phạt với Iran để đổi lấy điều khoản kiểm soát chương trình hạt nhân nước này.

Ngoại trưởng Araghchi (trái) và người đồng cấp Albusaidi tại Muscat, Oman, ngày 12/4. Ảnh: Reuters
Cuộc đàm phán diễn ra giữa lúc Tehran tìm cách nới lỏng các lệnh trừng phạt đang làm tê liệt nền kinh tế trong nước, trong khi Tổng thống Trump duy trì chiến dịch "gây sức ép tối đa" và liên tục đe dọa dùng vũ lực với Iran.
Iran nhiều lần bác bỏ đàm phán trực tiếp với Mỹ, song chấp nhận đối thoại qua trung gian. Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian ngày 5/4 cho biết Tehran sẵn sàng tham gia đối thoại với Washington trên cơ sở bình đẳng, nhưng vẫn tỏ ra nghi ngờ sự chân thành của Mỹ.
Iran và các cường quốc năm 2015 ký thỏa thuận mang tên Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA), trong đó Tehran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân để được nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump rút Mỹ khỏi JCPOA và tiếp tục áp trừng phạt lên Iran. Đáp lại, Tehran sau đó dần từ bỏ tuân thủ nhiều cam kết về kiểm soát hạt nhân.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)