- Thưa ông, hồi đó ông tham gia như thế nào vào việc bắt giữ Năm Cam?
- Trước khi có vụ Năm Cam, chúng tôi đã nhận được khá nhiều thông tin về hoạt động phạm pháp của các băng nhóm tại TP HCM. Sau đó, một hôm anh Sáu Dân (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt) gọi tôi đến nhà riêng và đưa một tập hồ sơ liên quan đến Năm Cam. Chờ tôi xem xong, anh yêu cầu Bộ Nội vụ nghiên cứu kỹ vụ việc và sớm có biện pháp xử lý băng nhóm tội phạm này.
Trước yêu cầu của Thủ tướng, tôi đã triển khai cho các đồng chí có trách nhiệm, đặc biệt là thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp, lúc đó là Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, chịu trách nhiệm chỉ huy trực tiếp và báo cáo thường xuyên với tôi.
- Với ý kiến về việc đưa Năm Cam đi tập trung cải tạo hồi đó là trái luật, ông nghĩ sao?
- Khi tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ phạm tội của Năm Cam, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Với sự giúp đỡ của lãnh đạo Công an TP HCM, chúng tôi đã thu thập được khá nhiều tài liệu. Theo đánh giá của các trình sát trực tiếp điều tra, nếu không kịp thời xử lý thì băng nhóm này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, không chỉ ở TP HCM. Cái khó nhất là phải bắt được Năm Cam. Đánh giá được mức độ nguy hiểm của hắn, tôi đã đích thân bay vào TP HCM để chỉ đạo việc bắt theo hướng khác.
Chúng tôi xin quyết định bắt Năm Cam nhưng không được VKSND Tối cao phê chuẩn. Vì vậy chúng tôi buộc phải áp dụng biện pháp đưa Năm Cam đi cải tạo để có điều kiện khai thác, tiếp tục làm rõ tội ác của hắn.
|
Theo nguyên tắc, để đưa một người đi cải tạo phải có Hội đồng xét duyệt từng trường hợp và ý kiến của lãnh đạo ngành công an, đề nghị của UBND địa phương... Nếu làm tuần tự các bước theo quy trình thì phải kéo dài thời gian, và tôi nghĩ chưa chắc có thể giải quyết được. Vì vậy, tôi phải bàn trực tiếp với Thường trực Thành ủy TP HCM, và UBND thành phố để họ ký lệnh cưỡng bức cải tạo lao động. Có sự đồng tình này thì mới bắt ông trùm đi cải tạo được. Tại buổi làm việc với thành phố, tôi nói: Việc bắt giữ Năm Cam không được VKSND Tối cao phê chuẩn, nên chúng ta phải thay đổi biện pháp ngăn chặn. Không khởi tố vụ án, khởi tố bị can được thì trước mắt cần bắt hắn đi tập trung cải tạo. Các anh cứ ký đi, tôi sẽ chịu mọi trách nhiệm nếu trường hợp bắt giữ Năm Cam là sai với quy định của pháp luật. Với tư cách Bộ trưởng, tôi cũng ký vào đó. Cuối cùng, mọi người đều thống nhất với ý kiến của tôi và sau đó anh Bảy Thanh (ông Võ Viết Thanh, nguyên phó chủ tịch UBND TP HCM) đã ký lệnh này.
Việc làm tắt đó không trái với quy định về thủ tục xét duyệt tập trung, cải tạo. Ấy vậy mà VKSND Tối cao lại năm lần bảy lượt ra văn bản kiến nghị cho là việc bắt Năm Cam sai quy trình tố tụng, phải thả y ra ngay... Tôi biết, trong việc này có gì khó hiểu đây, nên bảo anh em: Thôi cứ lẳng lặng mà điều tra đi. Mình có làm cho ra thì lúc ấy mới dễ nói được. Nếu tôi làm sai thì Quốc hội cứ cách chức tôi, còn bây giờ tôi đang là Bộ trưởng thì tôi vẫn quyết tâm làm rõ những tội trạng của Năm Cam cho đúng luật. Khi cách chức tôi rồi, ai muốn thả thì thả.
Hôm vừa rồi, anh Tư Thành (thiếu tướng Nguyễn Việt Thành) có cho tôi biết, hồ sơ ngày đó còn rất đầy đủ, đều có ghi những ý kiến rất cụ thể của tôi về việc bắt giữ Năm Cam.
- Có tin rằng khi bắt Năm Cam đi tập trung cải tạo, nhiều người đã tìm cách tiếp cận, đề nghị ông theo hướng thiên lệch cho Năm Cam. Việc đó xảy ra như thế nào?
- Điều đó có, nhưng lúc đầu bản thân tôi cũng không nhận ra. Bởi nguyên tắc làm việc là mọi tiếp xúc đều do thư ký của tôi sắp lịch. Hơn nữa, tôi không bao giờ tiếp khách công việc tại nhà riêng. Có lần nghe báo cáo có người từ miền Nam đến tận cơ quan gửi đơn kêu oan cho chồng, anh Báu đã sắp lịch nhưng tôi không tiếp. Lý do là, việc của địa phương thì phải nghe địa phương trực tiếp báo cáo, sau đó mới chỉ đạo xử lý chứ không tiếp cá nhân.
Người phụ nữ đó là vợ của Năm Cam, đi cùng với một người mà sau này tôi đoán là Thuyết “trăm voi”. Bởi Thuyết từng làm trong ngành công an, mà số điện thoại của tôi chỉ có người trong ngành mới có khả năng tìm được. Các cuộc điện thoại nhờ vả tôi đều giới thiệu đến Tổng cục Cảnh sát là đơn vị trực tiếp thụ lý vụ việc để giải quyết.
- Ông đã gặp Năm Cam bao giờ chưa?
- Sau khi bắt hắn, trong một lần đi làm việc tại trại giam Tam Đảo, anh em có đưa tôi đi kiểm tra nơi ăn chốn ở của phạm nhân. Tại một phòng giam, có phạm nhân bị bệnh không đi làm được, anh em cho biết đó là Năm Cam. Hắn đứng dậy chắp tay xá, chào đúng tên tôi. Điều đó chứng tỏ hắn cũng biết khá nhiều về tôi. Lúc đó, Năm Cam gầy gò, đen đúa chứ không mập mạp như hình đăng trên báo bây giờ.
- Việc nghỉ hưu của ông và Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp vào đúng lúc chuyên án xử lý Năm Cam đang dang dở liệu có bất thường không?
- Không có gì bất thường vì tôi đã có đơn xin nghỉ việc nộp cho Ban Tổ chức trung ương trước đó khá lâu. Việc này trong lãnh đạo công an và cấp ủy, UBND các cấp đều rõ. Nếu tôi phải nghỉ vì Năm Cam thì xúc phạm đến Bộ Chính trị quá vì nếu có chuyện ép tôi nghỉ thì phải là Bộ Chính trị.
Còn Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp nghỉ trong đợt này là đúng với tiêu chuẩn, chế độ. Theo quy định, từ cấp thiếu tướng trở lên thì do Ban Tổ chức trung ương và Thủ tướng quyết định, và việc này đã được giải quyết từ trước khi điều tra vụ Năm Cam.
- Việc thả Năm Cam trước thời hạn nửa năm, ông có biết gì không?
- Đại hội Đảng 1996 tôi mới chính thức nghỉ hưu, nhưng trước đó vài tháng tôi đã giao mọi việc của Bộ cho anh Hương (Bộ trưởng Lê Minh Hương). Chính vì thế, quá trình khai thác tội trạng của Năm Cam tiếp theo tôi không theo dõi được. Sau này tôi mới biết Năm Cam được tự do sớm hơn theo quy định. Việc này còn thể hiện rõ tại tàng thư công an.
Hồi năm 1998 hay 1999 gì đó, tôi gặp anh Tư Tạo (Trần Văn Tạo, nguyên phó giám đốc Công an TP HCM) và nói vui với nhau: Năm Cam được thả rồi, coi chừng nó trả thù cả tôi lẫn ông đó. Nói vậy thôi, chứ tôi làm việc, được dân bảo vệ. Dân thương mình là được rồi, còn đâu có sợ bọn tội phạm.
(Theo Tiền Phong, Công An Nhân Dân)