Chiều 24/9, Ủy ban các vấn đề xã hội tổ chức phiên giải trình về phân bổ nguồn lực và cơ chế chính sách giảm nghèo. Bộ trưởng Lao động Phạm Thị Hải Chuyền thông tin, từ năm 2005 đến 2012, tổng nguồn vốn huy động cho mục tiêu giảm nghèo là gần 543.000 tỷ đồng trong đó khoảng 38% từ ngân sách nhà nước.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Lê Văn Lai băn khoăn, người Việt Nam lòng tự trọng rất cao, coi nghèo là gắn với hèn nên không muốn để ai biết mình khó khăn. Nhưng hiện nay rất nhiều người, nhiều nhà đăng ký, xin được công nhận là nghèo. “Phải chăng vấn đề là từ chính sách chưa đúng? Dù là nguyên nhân gì thì vẫn phải chấm dứt ngay tình trạng người dân muốn nghèo”, ông Lai nói.
Vị đại biểu tỉnh Quảng Nam nêu thêm một nghịch lý: khi có chương trình đầu tư cho người nghèo, người yếu thế thì chính họ lại không được hưởng. Ví như việc hỗ trợ nguồn vay để mua giống thì tiền không đến tay dân, chính sách trợ giúp người dân mua nhà thu nhập thấp thì bản thân những người nghèo lại không mua được, tổng nguồn vốn vài chục nghìn tỷ đồng mới giải ngân mấy trăm tỷ.
“Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Lao động phải tham mưu cho Chính phủ để những điều oái ăm này không còn xảy ra”, ông Lai kiến nghị.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng cũng cho biết, thực tế có bí thư một huyện ủy vui vẻ báo cáo năm nay huyện ông có thêm ba xã nghèo và nhiều gia đình khi được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo thì không đồng ý.
Thừa nhận những thắc mắc nêu trên của đại biểu là có thật, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, số hộ nghèo đông là do theo quy định hiện nay, chuẩn nghèo có mức thu nhập rất thấp, 400.000 đồng một người người một tháng đối với nông thôn và 500.000 đồng đối với thành phố (chưa tính trượt giá). Nhiều gia đình không muốn ra khỏi danh sách nghèo vì chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng này rất nhiều, từ y tế, giáo dục, đất đai, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo việc làm...
Bà Chuyền cho rằng, ở nhiều địa phương, người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn nhà nước. Một số lãnh đạo coi giảm nghèo là một phong trào nên việc này chưa đi sâu vào thực chất. Ông Bùi Ngọc Chương, ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội không bằng lòng khi ngân sách đã chi ra một số tiền rất lớn nhưng đánh giá hiệu quả của Bộ Lao động chưa rõ.
Phó chủ nhiệm Đỗ Mạnh Hùng tính toán, dựa trên tổng số vốn huy động và số hộ nghèo trên cả nước, trung bình mỗi năm một hộ nghèo được nhận khoảng 180 triệu đồng. "Nhưng thực tế họ được nhận bao nhiêu tiền, và phải mất bao nhiêu tiền để chi cho công tác quản lý, hành chính và các hoạt động khác", ông Hùng đặt câu hỏi.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thanh Bình cũng băn khoăn “Lãi suất cho người nghèo 6%, cận nghèo 9%, như vậy là còn cao”. Theo phản ảnh của người dân thì số tiền cho hộ nghèo vay thấp, lãi suất lại cao. Có người than phiền với ông là muốn vay tiền mua bò thì chỉ được giải quyết cho vay 5 triệu đồng, vay đi xuất khẩu lao động chỉ được 20 triệu đồng trong khi khoản phí dịch vụ phải đóng là khoảng 100 triệu đồng.
Về việc số hộ nghèo đã giảm nhưng vẫn có tới 70 chính sách liên quan tới xóa đói, giảm nghèo và bộ máy điều hành còn nặng nề, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết sẽ phối hợp với Bộ Lao động rà soát lại, chỉ duy trì những chương trình mang tính thường xuyên, kéo dài, bỏ bớt những chính sách không quan trọng và lồng ghép nhiều lĩnh vực vào với nhau. “Cũng chính vì có quá nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo nên ai cũng nghĩ mình càng ở trong diện nghèo thì càng được hưởng nhiều ưu ái”, ông Đông nhận định.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng thừa nhận bộ máy quản lý các chương trình, dự án giảm nghèo quá đồ sộ. Tỷ lệ chi cho hành chính, sự nghiệp chiếm hơn 63% tổng số tiền giảm nghèo huy động được. Còn mức chi cho đầu tư phát triển chỉ chiếm hơn 36%. Ông Đông cho rằng, chỉ khi nào mức chi cho đầu tư phát triển chiếm phần lớn thì khi đó chính sách giảm nghèo mới là "cần câu" thực sự cho người dân.
Ghi nhận nỗ lực bố trí và huy động nguồn lực, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm nhanh từ 58% năm 1993 xuống còn khoảng 7,8% hiện nay song Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai vẫn chưa hài lòng với phần giải trình của các Bộ. Bà băn khoăn, tại sao chính sách chăm sóc sức khỏe chỉ đảm bảo 25% hộ nghèo có bảo hiểm y tế, còn 75% hộ cận nghèo chưa được tiếp cận dù tiền ngân sách cho việc này đã được chi.
“Tại sao nguồn lực hàng năm bố trí không đủ nhưng mục tiêu lại luôn hoàn thành? Như vậy nguyên nhân là do tính toán chưa chính xác hay do sự cố gắng có hiệu quả của bộ máy chính trị”, bà Mai đặt câu hỏi và yêu cầu lãnh đạo Bộ Lao động, Kế hoạch đầu tư, Tài chính trả lời.
Hoàng Thùy