Trong phán quyết ra ngày 5/12, tòa án Orange County tuyên bị đơn là Funtime Handels GmbH, công ty sản xuất ra trò chơi thả rơi tự do FreeFall, có trụ sở tại Áo, phải trả cho bố và mẹ cậu bé mỗi người 155 triệu USD.
Funtime là bị đơn duy nhất được nêu tên trong vụ kiện, đã không chọn hòa giải và cũng không xuất hiện tại phiên tòa.
Hồ sơ vụ kiện thể hiện, ngày 24/3/2022, Tyre Sampson đi thăm Công viên giải trí ICON ở Orlando vào kỳ nghỉ xuân cùng đội bóng đá của mình và chơi trò rơi tự do.
Theo hướng dẫn vận hành của chuyến đi, giới hạn trọng lượng là khoảng 130 kg mỗi hành khách. Còn Tyre Sampson nặng 173 kg.
Đơn kiện nêu, nhân viên phục vụ tại khu vui chơi đã điều chỉnh các cảm biến theo cách thủ công để tăng gấp đôi kích thước của lỗ mở, cố định hai ghế để cậu bé có thể ngồi vừa. Điều này dẫn đến việc Tyre Sampson không được cố định đúng cách trên ghế, theo báo cáo giám định sự cố của các kỹ sư.
Ngoài ra, có một số "nguyên nhân tiềm ẩn" khác dẫn đến sự cố.
Hậu quả, khi trượt được quá nửa đường thì cậu bé bị văng khỏi ghế và rơi xuống đất ở độ cao ít nhất 30 mét, trong khi tháp trượt cao khoảng 120 m.
Gia đình Tyre sau đó đã kiện 3 đơn vị gồm công viên giải trí ICON, đơn vị vận hành Eagle Drop Slingshot và nhà sản xuất trò chơi này, Funtime Handels GmbH. Song năm ngoái cha mẹ cậu đã hòa giải thành công với 2 bị đơn đầu tiên. Số tiền thỏa thuận chưa được tiết lộ.
Sau phiên tòa, luật sư đại diện gia đình cho hay phán quyết của tòa là một bước tiến trong việc buộc các công ty phải chịu trách nhiệm về tính an toàn của sản phẩm của họ. "Cái chết của Tyre là kết quả của sự cẩu thả trắng trợn và ưu tiên lợi nhuận hơn an toàn", vị này nêu.
Công ty Funtime Handels GmbH chưa trả lời truyền thông về phán quyết.
Sau vụ tai nạn, trò chơi này đã bị tháo dỡ khỏi công viên. Vào tháng 5/2023, Thống đốc Florida đã ký Đạo luật mang tên cậu bé, tăng cường các tiêu chuẩn an toàn cho các chuyến đi trong công viên giải trí.
Hải Thư (Theo NBC, People, Fox2Now)