- Lần đầu làm mẹ, cuộc sống chị thay đổi ra sao?
- Trước đây, làm việc gì khó khăn, tôi hay nản lòng. Bây giờ tôi không dễ buồn, tiêu cực hay bỏ cuộc vì thời gian dành cho con còn không đủ lấy đâu ra nghĩ linh tinh.
Con là nguồn động lực giúp tôi cố gắng nhiều trong công việc. Nhìn thấy con khỏe mạnh, vui vẻ, vất vả thế nào tôi cũng chịu được. Từ lúc chào đời đến nay, nhóc tỳ luôn cười, hiếm lắm mới bật lên một tiếng khóc khi không thấy mẹ bên cạnh. Ốc kéo mối quan hệ của tôi lại gần với mọi người hơn. Tôi có nhiều họ hàng xa, bạn bè không gặp một thời gian dài vậy mà từ khi con gái tôi chào đời, họ sắp xếp tới nhà thăm hai mẹ con. Nhiều hôm tôi buồn, con bé nhoẻn miệng cười như nói có "con bên cạnh mẹ đây". Con gái như thiên sứ ông trời phái xuống bầu bạn với tôi vậy, từ nay tôi không còn cô đơn nữa.
- Chị gặp khó khăn gì khi chăm con nhỏ?
- Giai đoạn khó khăn nhất là lúc tôi bị căng sữa, đau đớn đến nỗi không còn cảm giác gì khi bác sĩ dùng kim chích, dụng cụ để hút sữa ra ngoài. Nhiều đêm tôi sốt, không ngủ được và khóc. Chồng tôi thấy thương nên bảo tôi cắt sữa mẹ, cho con gái uống sữa công thức.
Khi bé Ốc được một tháng tuổi, cuối tháng 11/2020, chồng tôi - anh Emmanuel Shin - về Hàn Quốc chăm sóc mẹ già bị ung thư giai đoạn cuối. Tôi hiểu được sự khó xử của anh khi một bên là mẹ một bên là vợ mới sinh con. Nhưng dù thấu hiểu thế nào, với tâm lý phụ nữ sau sinh, tôi không khỏi chạnh lòng khi một mình chăm con nhỏ. Có lúc tôi nghĩ, thà tôi làm mẹ đơn thân còn hơn có chồng lại không được dựa dẫm. Nhiều lần tôi khóc, cãi nhau với ông xã mà chẳng có lý do gì. Những lúc tôi như vậy, anh xin lỗi, động viên. Mẹ chồng tôi cũng vậy, bà cảm ơn tôi vì sinh cho bà một người cháu cũng như an tâm giờ con trai đã có gia đình nhỏ.
- Cuộc sống chị thế nào khi xa chồng?
- Vợ chồng tôi luôn hướng về nhau. Hàng ngày ông xã đều gọi điện về trò chuyện hỏi thăm con gái. Tôi cũng động viên anh cố gắng ở bên mẹ chồng vì bà không còn nhiều thời gian. Hiện sức khỏe bà ấy rất yếu và gia đình cũng chuẩn bị tâm lý. Nửa năm ở xa, anh ấy vẫn chăm lo đầy đủ cho cuộc sống hai mẹ con tôi. Anh tìm những loại sữa, đồ dùng tốt nhất ở Hàn Quốc gửi về Việt Nam cho con gái. Tôi là một người mạnh mẽ, độc lập nên ai ở lại bên cạnh tôi chứng tỏ họ rất yêu thương tôi. Tôi thấy may mắn khi gặp được anh Emmanuel Shin.
- Chị từng trải qua nỗi đau khó có con như thế nào?
- Bác sĩ cho biết lượng hormone nam trong cơ thể của tôi cao gấp 34 lần phụ nữ bình thường nên niêm mạc tử cung mỏng, bào thai không thể bám chặt. Hai năm tôi không đi đâu, có khi nằm một chỗ nhiều tháng, mỗi lần ngồi dậy cũng phải nghiêng qua phải mới đặt chân xuống giường vậy mà cũng không giữ được. Tôi quen với việc hư thai tới mức khi thấy mình bị chảy máu, tôi tỉnh queo, tự lái xe từ TP HCM xuống bệnh viện ở Bình Dương để kiểm tra. Bác sĩ siêu âm nói tôi nhìn lên màn hình để xem tình trạng thai nhi, tôi còn trấn an họ: "Không sao đâu, con ổn". Tôi không ngồi xe đẩy dành cho người bệnh mà đi bộ ra ngoài rồi lái xe về nhà, đặt vé máy bay ra Hà Nội nghỉ ngơi, xem như chưa có chuyện gì xảy ra.
Lần đầu hư thai tôi còn báo cho bố mẹ biết nhưng những lần sau tôi giấu sợ họ sẽ "sốc", lo lắng mà sinh bệnh. Tôi phải tự đứng lên chứ không thể gieo thêm đau đớn cho người già. Bởi vậy, khi tôi biết có bé Ốc, đợi đến cột mốc ba tháng, tôi mới có chút tự tin thông báo tin vui cho gia đình, dù ngày tháng tiếp theo tôi vẫn nơm nớp sống trong lo sợ.
Bố mẹ tôi mong có cháu, nên từ đầu, tôi chủ động cho việc có con, làm mẹ đơn thân. Khi hẹn hò với chồng hồi cuối năm 2019, tôi nói rõ với anh tôi từng sang Thái Lan làm phương pháp thụ tinh nhân tạo nhưng không thành. Cả hai quen nhau được bốn tháng, tôi bất ngờ mang bầu bé Ốc vào đầu năm 2020. Sau đó chúng tôi quyết định đăng ký kết hôn dù chưa tổ chức đám cưới.
- Chị gặp áp lực kinh tế gì khi nuôi con nhỏ?
- Hiện tôi gác lại công việc ca hát để tập trung cho gia đình nhỏ. Không chạy show nhưng tôi và chồng có công ty riêng. Trong thời dịch, công ty chúng tôi vẫn đảm bảo lương của nhân viên là mừng lắm rồi. Tôi cũng kinh doanh online nên thu nhập ổn định. Tôi giỏi xoay xở, không sợ gặp khó khăn kinh tế.
Tâm Giao