Lãnh đạo phường Vạn An, TP Bắc Ninh, cho biết việc tháo dỡ được triển khai dựa trên sự thống nhất của toàn bộ hộ dân và phương án chuyên gia khuyến cáo. Chính quyền không huy động quá nhiều máy móc để tránh gây quá tải cho bờ sông. Nếu thời tiết thuận lợi, công việc dự kiến hoàn thành trong 10 ngày.
GS.TS Trần Đình Hòa, Viện trưởng Khoa học Thủy lợi Việt Nam - đơn vị tư vấn cho tỉnh Bắc Ninh phương án khắc phục sự cố, cho biết việc phá dỡ công trình đổ nghiêng là ưu tiên hàng đầu để giảm tải cho đê hữu Cầu, ngăn tiếp tục sạt lở. Sau khi phá dỡ các công trình, chuyên gia sẽ quan trắc để có dữ liệu đánh giá tổng thể cả đoạn sông, từ đó đưa ra giải pháp.
Sớm 7/4, 4 ngôi nhà cao 2-3 tầng, rộng 61-77 m2 và nhà một tầng lợp mái tôn 89 m2 nằm trên 50 m đê sông Cầu, phường Vạn An, TP Bắc Ninh, bị đổ về phía đê hữu Cầu. Hai công trình khác chưa hoàn thiện nằm trên đất vườn, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng bị đổ. Trước đó giữa tháng 3, một ngôi nhà khác tại khu vực này bị sụt hoàn toàn xuống sông.
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đánh giá sạt lở đê hữu Cầu sẽ diễn biến nhanh, nguy hiểm do hội tụ bốn yếu tố bất lợi gồm hình thái, địa chất, dòng chảy và tác nhân con người. Vị trí sạt lở xảy ra ở đoạn sông cong, hướng dòng chảy thẳng vào bờ, tốc độ xói rất lớn. Nền móng bờ sông thuộc loại yếu, đặc biệt khi nước rút nhanh. Nhà dân xây mật độ cao, tải trọng lớn ngay sát mép sông.
Theo Chi cục Thủy lợi Bắc Ninh, từ năm 2021 đến nay trên đê hữu Cầu có 58 công trình nhà ở vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ, tập trung ở xã Tam Đa, huyện Yên Phong. Các công trình vi phạm ngoài nguyên nhân về áp lực dân số, nhà ở thì còn do việc thờ ơ trong quản lý của địa phương.