Ngày 14/4, trình bày trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự thảo Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, kinh phí dự kiến thực hiện đề án (chưa bao gồm tiền xây cơ sở vật chất còn thiếu) lên đến 34.275 tỷ đồng, tương đương 1,7 tỷ USD.
Số tiền này khiến Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước "thật sự hoang mang", còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì "băn khoăn" về tính khả thi. Ông Hùng đề nghị cần hoàn thiện đề án thì mới có thể trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 tới.
Ngày 15/4, giải thích về con số hơn 34.000 tỷ đồng, Vụ phó Giáo dục Trung học Đỗ Ngọc Thống cho biết, tên của đề án làm nhiều người hiểu lầm vì chương trình và sách giáo khoa chỉ hết khoảng 5.000 tỷ đồng, số tiền còn lại dự toán cho các vấn đề khác, với 7-8 mục lớn.
Tương tự, năm 2011, khi đưa ra đề án đổi mới trị giá 70.000 tỷ đồng gây tranh cãi, Bộ GD&ĐT giải thích đó chỉ là con số khái toán và việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa chỉ hơn 960 tỷ đồng, số tiền còn lại để xây dựng cơ sở vật chất (khoảng 35.000 tỷ đồng), mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học (30.000 tỷ đồng), đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên 390 tỷ đồng...
Chia sẻ với VnExpress.net, PGS Văn Như Cương cho hay, chương trình và sách giáo khoa gồm rất nhiều hạng mục như tập huấn, bồi dưỡng cho người viết sách, đi nước ngoài học hỏi kinh nghiệm, thẩm định chương trình, dạy thử...
"Nếu tính riêng tiền chi cho viết sách giáo khoa, tôi chỉ xin 34 tỷ đồng, phóng khoáng là 50 tỷ, tương đương 1% của số tiền 5.000 tỷ", thầy Cương nói.
Từng tham gia viết sách giáo khoa, vị giáo già cho biết, mỗi tiết được trả 300.000 đồng, sau đó tăng dần lên 500.000 đồng. Với những người tham gia viết sách giáo khoa mới, nếu được trả 2 triệu đồng mỗi tiết thì chỉ hết khoảng 34 tỷ đồng.
Ông nhẩm tính, môn Toán lớp 12 có 100 tiết, nếu trả 2 triệu đồng mỗi tiết thì hết 200 triệu đồng. Từ lớp 1 đến lớp 12 môn này tốn khoảng hơn 2 tỷ đồng. Con số này đem nhân với 12 môn học là gần 30 tỷ đồng.
Khẳng định từ trước đến nay việc viết sách rất tiết kiệm, thầy Cương đề nghị thành lập trại viết sách giáo khoa tập trung và mời các tác giả đến. Những người này cần từ bỏ công việc của mình, tách ra 3 tháng chỉ đặc phái đi viết sách xong lại về làm việc như cũ.
"Trước đây chúng tôi viết theo kiểu tay trái, nghĩa là ngày tôi vẫn dạy ở trường sư phạm, buổi tối hoặc lúc rảnh rỗi ngồi viết. Nhưng bây giờ không nên như thế, người viết cần tập trung trí tuệ", PGS Toán học nói.
Sau khi có sách rồi, kế hoạch của Bộ Giáo dục là thay sách 3 lớp đầu cấp theo kiểu cuốn chiếu nên ít nhất tiểu học mất 5 năm mới xong. Do đó, thầy Cương đề nghị nên thay mới toàn bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 để tiết kiệm thời gian đổi mới.
"Nhiều người lo ngại học sinh lớp 2 học ngay sách mới sẽ bị sót những kiến thức lớp 1 chưa học nhưng điều này không đáng ngại bởi chương trình mới so với chương trình cũ đã giảm đi nhiều. Hơn nữa, hiện nay các em lên lớp vẫn phải học lại một số kiến thức, nếu cần thì điều chỉnh một chút là có thể bắt nhịp được ngay, vừa giảm được thời gian vừa giảm được kinh phí", thầy Cương nhận định.
Hoàng Thùy