Sáng 8/11, tại hội thảo về sách giáo khoa tổ chức ở Hà Nội, PGS.TS Lê Anh Vinh, chủ biên sách giáo khoa Toán tiểu học mới của NXB Giáo dục Việt Nam, chia sẻ so với sách hiện hành, sách Toán tiểu học mới có một số điểm khác biệt nhằm kích thích sự tò mò, tạo tâm lý thoải mái để các em tiếp nhận kiến thức.
Để đáp ứng yêu cầu học gắn với thực tiễn, sách Toán mới tích hợp nhiều kiến thức liên môn. Học sinh sẽ được biết đến truyện ngụ ngôn Rùa và Thỏ trong bài học xem giờ, thông qua bài tập nối phép tính sẽ được giới thiệu về thức ăn của các loài vật hay biết quy trình hoa sen nở và tàn nhờ bài toán xếp số.
Thay vì thiết kế theo tiết học, sách mới được cấu trúc theo bài học và chủ đề, mỗi bài gồm bốn phần: khám phá (giới thiệu kiến thức mới), hoạt động (thực hành trên lớp), trò chơi và luyện tập (làm bài về nhà). Hội đồng biên soạn lồng ghép các trò chơi vào bài học. Với sách giáo khoa Toán lớp 1, học sinh có tám trò chơi, được chia với tần suất ba tuần một lần. Số trò chơi của sách tham khảo và bổ trợ là hơn 35.
"Chúng tôi đã thử nghiệm tại một số trường, cả học sinh và giáo viên đều rất vui và hào hứng dù làm đúng hay không", anh Vinh nói.
Cùng với đó, sách Toán tiểu học có một tuyến nhân vật xuyên suốt gồm 4 bạn nhỏ là Mai, Nam, Việt, Mi và một robot. Những nhân vật này sẽ cùng tham gia các hoạt động với học sinh và cùng "lên lớp" với các em. Không gian và trang phục của nhân vật khi xuất hiện cũng được quan tâm, ví dụ bài học được dạy vào gần Tết Nguyên đán thì nhân vật sẽ mặc quần áo mùa đông và ngược lại.
Đại diện Hội đồng biên soạn sách giáo khoa Toán cho biết, bộ sách mới đặc biệt chú trọng đến việc minh họa, kể cả những chi tiết nhỏ nhất. Trong phép so sánh 1 và 2, thay vì chỉ vẽ một và hai cái cây, sách vẽ cái cây đang ngồi một mình tỏ ra buồn bã vì không có bạn.
"Dù là trong môn học vốn được coi là khô cứng như Toán, chúng tôi luôn cố gắng lồng ghép thông điệp, mang đến những gì gần gũi, đáng yêu nhất cho học sinh và mong muốn các em sẽ mỉm cười mỗi lần mở sách ra", anh Vinh nói, khẳng định giúp học sinh yêu thích, hứng thú với môn học là điều sống còn, quyết định việc các em có theo được môn này ở các lớp trên hay không.
Trước đó, đại diện hội đồng biên soạn sách giáo khoa Toán sử dụng hình ảnh so sánh để nói về thực trạng dạy và học toán phổ thông hiện nay. Theo TS Vinh, thay vì cho học sinh tô màu khu rừng với những màu sắc tùy thích, giáo viên và chương trình giảng dạy chỉ yêu cầu các em tô màu hàng rào, cái nào cũng giống nhau và không có gì khác gì mẫu, ám chỉ việc tiếp cận kiến thức chưa sâu, mới ở phía ngoài và chỉ dừng ở việc làm theo mẫu.
Trong nhiều năm quan sát và nghiên cứu, TS Vinh chỉ ra thực trạng dạy và học toán phổ thông tại Việt Nam. Nhiều phụ huynh và giáo viên nghĩ con em mình không học được Toán. Gần đây nhất nhiều người phản đối đưa xác suất thống kê vào chương trình toán lớp 2 vì nghĩ trẻ độ tuổi đó chưa học được. Thực tế khả năng tiếp thu của trẻ em là vô hạn, quan trọng là người lớn phải biết cách dạy. Hơn nữa, xác suất thống kê của lớp 2 chỉ dừng ở mức đọc biểu đồ và biết sắp xếp, thu thập dữ liệu, "không phức tạp như nhiều người nghĩ".
Cùng với đó, TS Vinh cho rằng nhiều học sinh hiện nay "học mà không nghĩ". "Khi tiếp xúc và đưa phiếu bài tập cho học sinh, bài nào biết thì các em làm rất nhanh, nhưng bài không làm được sẽ nói phần này chưa học", TS Vinh kể. Việc "phải tô màu hàng rào theo mẫu" khiến học sinh trở nên lười suy nghĩ, chỉ cần biến đổi một chút là không biết làm. Chương trình và cách thể hiện sách giáo khoa chưa phù hợp còn làm giảm sự tương tác giữa thầy cô với học sinh và giữa các em với nhau, học không gắn với thực tiễn.
Chủ biên sách giáo khoa Toán cấp tiểu học tin tưởng những khác biệt trong bộ sách Toán theo chương trình mới có thể khắc phục được những hạn chế này, giúp học sinh yêu thích cả sách và môn học.
Ông Lê Hoàng Hải, Phó giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, cho rằng việc đầu tư nội dung và chất lượng hình ảnh sách giáo khoa Toán tiểu học nói riêng và toàn bộ sách giáo khoa theo chương trình mới nói chung là việc làm đúng đắn.
"Là đơn vị có số lượng lớn sách được lưu hành, NXB Giáo dục Việt Nam có vai trò góp phần định hướng chất lượng sách trên thị trường. Đây là câu chuyện lâu dài, giúp học sinh Việt Nam được tiếp cận với những quyển sách giáo khoa có chất lượng như các nước phát triển", ông Hải nói.
Thanh Hằng