"Mặc dù các nghiên cứu và dữ liệu thực tế hiện nay chứng minh mũi vaccine tăng cường vẫn cung cấp mức độ bảo vệ cao trước nguy cơ trở nặng và nhập viện vì Omicron, chúng tôi nhận thức được nhu cầu chuẩn bị trong trường hợp khả năng bảo vệ này suy giảm theo thời gian, đồng thời có thể giúp ứng phó Omicron và những biến chủng mới trong tương lai", Kathrin Jansen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển vaccine của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer, hôm nay cho biết.
Pfizer và đối tác Đức BioNTech có kế hoạch thử nghiệm phản ứng miễn dịch sau khi tiêm vaccine đặc hiệu với Omicron trong hai trường hợp. Đầu tiên là tiến hành liệu trình gồm ba mũi đối với những người chưa tiêm chủng, tiếp đó sử dụng loại vaccine này làm liều tăng cường cho những người đã tiêm hai mũi vaccine Pfizer phiên bản trước đó.
Ngoài ra, Pfizer sẽ thử nghiệm mức độ miễn dịch sau khi tiêm liều thứ tư của phiên bản vaccine hiện nay và liều thứ tư của vaccine đặc hiệu với Omicron trên những người đã tiêm liều vaccine thứ ba 3-6 tháng trước. Hơn 1.400 người sẽ tham gia thử nghiệm lâm sàng.
Pfizer từng cho biết liệu trình hai mũi vaccine ban đầu có thể không còn đủ để chống lây nhiễm biến chủng Omicron, thêm rằng hiệu quả bảo vệ trước nguy cơ nhập viện và tử vong có khả năng suy giảm.
Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết liều thứ ba của các vaccine mRNA như Pfizer giúp cung cấp tới 90% hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện vì Covid-19, dẫn đến tranh cãi về mức độ cần thiết của một loại vaccine đặc hiệu.
Omicron được phát hiện lần đầu tại miền nam châu Phi hồi tháng 11/2021, thuộc danh sách biến chủng đáng lo ngại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với hơn 50 đột biến. Mặc dù còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, giới khoa học đánh giá Omicron dễ dàng lây lan hơn các chủng trước đây, giai đoạn ủ bệnh ngắn hơn, nhưng dường như ít nghiêm trọng hơn.
Ánh Ngọc (Theo Reuters)