Trao đổi với VnExpress, Phó tổng giám đốc Phạm Đức Thắng cho biết do hạn chế về mặt bằng, cơ sở hạ tầng của hệ thống cửa hàng bán lẻ, hiện chỉ một số đơn vị trực thuộc trong đó có Công ty Xăng dầu Khu vực II (Petrolimex Sài Gòn) đang triển khai thí điểm với quy mô nhỏ, chủ yếu là các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến xăng dầu như: gas, dầu nhớt, bảo hiểm, rửa xe, dịch vụ ngân hàng.
"Trước đó tập đoàn đã nghiên cứu tính toán chi phí ban đầu cho cửa hàng tiện lợi tại một cây xăng thuộc Hà Nội, nhưng lợi nhuận thu về chưa hấp dẫn. Quan điểm của Petrolimex là phải hiệu quả mới làm nên tập đoàn tiếp tục nghiên cứu, đánh giá", ông Thắng nói.
Theo Phó tổng giám đốc Petrolimex, định hướng này đã được tập đoàn trao đổi với JX Nippon Oil and Energy (JX NOE) hồi tháng 12/2014 khi hai bên ký bản ghi nhớ hợp tác chiến lược. "Sau khi JX NOE chính thức trở thành đối tác chiến lược của Petrolimex thì kế hoạch kinh doanh cửa hàng tiện lợi cũng sẽ được tính đến", ông Thắng cho hay.
Vị này cũng khẳng định, việc kinh doanh các cửa hàng tiện lợi không phải là đầu tư ngoài ngành mà chỉ nhằm gia tăng dịch vụ, tăng thu nhập. Xăng dầu vẫn là mặt hàng kinh doanh chính.
Với hệ thống trên 2.000 cửa hàng xăng dầu, ông Thắng cho biết việc kinh doanh cửa hàng tiện ích có những thuận lợi nhất định, trong đó có thể tận dụng được nguồn nhân lực dư thừa sau khi cổ phần hóa. "Tuy nhiên để sử dụng hết nguồn lao động là khó, bởi kinh doanh các hàng tiêu dùng có một số yêu cầu khắt khe hơn đứng bán xăng, như hình thể, kỹ năng, giao tiếp... chưa kể đến sự cạnh tranh với các đơn vị bán lẻ khác", ông cho hay.
Theo biên bản ghi nhớ được ký giữa Petrolimex và JX NOE cuối năm ngoái, sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý, JX Nippon sẽ trở thành đối tác chiến lược của Petrolimex thông qua việc tăng vốn. Cùng đó, hai tập đoàn sẽ liên doanh để triển khai dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nam Vân Phong. Dự kiến giữa năm 2015, việc phát hành tăng vốn và thành lập liên doanh sẽ hoàn thành.
Thành Tâm