Báo cáo tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, ngày 26/4, ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, năm 2018, Petrolimex chưa hoàn thành thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo lộ trình xuống 51%, chưa hoàn thành phương án tái cấu trúc PG Bank theo quy định.
Lý do được ông Thanh nêu là "nguyên nhân chủ quan, khách quan và yếu tố không thuận lợi trên thị trường tài chính, chứng khoán". Vì vậy, lãnh đạo tập đoàn đã xin ý kiến các bộ, ngành dời kế hoạch thoái vốn Nhà nước sang 2019-2020. Ông Thanh cũng nói tập đoàn cần bàn bạc kỹ lưỡng để tiếp tục lộ trình, gửi các cấp có thẩm quyền quyết định.
Tập đoàn này cũng đồng thời xin cấp có thẩm quyền nới room nhà đầu tư nước ngoài từ 20% lên 49%. Tuy nhiên, tại văn bản trả lời của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ gửi Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước thì tạm thời giữ room nhà đầu tư ngoại 20%, chờ phương án tăng vốn tổng thể Petrolimex trình lại trong một, hai tháng tới.
Về thoái vốn tại PGBank, Chủ tịch Petrolimex cho hay, quá trình này chưa được hoàn thành trong năm 2018 dù được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nguyên tắc giao dịch sáp nhập vào tháng 9/2018. Đến nay, 2 ngân hàng đã bổ sung đầy đủ hồ sơ, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhóm đại diện vốn tại tập đoàn đã báo cáo, kiến nghị bằng văn bản với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch Petrolimex phát biểu tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông ngày 26/4. Ảnh: H.T
Ông Phạm Đức Thắng - Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, hoạt động kinh doanh năm 2018 chịu tác động từ một số yếu tố không thuận lợi như quy mô, mức cạnh tranh các đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu ngày càng tăng.
Diễn biến giá xăng dầu thế giới biến động khó lường, trong đó 9 tháng đầu năm giá dầu tăng 26-38% so với 2017 thì từ giữa tháng 10 đã giảm nhanh và giảm 42% so với mức cao nhất. Sự biến động này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh của Petrolimex trong quý IV và năm 2018.
Tuy nhiên, tập đoàn này vẫn đạt doanh thu thuần gần 192.000 tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế hơn 5.000 tỷ đồng và sau thuế trên 4.800 tỷ. Sản lượng xăng dầu xuất bán gần 12,8 triệu m3, tấn.
Tại đại hội, cổ đông đã chấp thuận thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2018 với mức chia cổ tức 26%, tương đương 2.600 đồng một cổ phiếu. Ước tính Petrolimex chi 3.044 tỷ đồng cho đợt thanh toán cổ tức 2018, trong đó cổ đông Nhà nước hơn 2.552 tỷ đồng, JX Việt Nam hơn 269 tỷ và các cổ đông khác.
Nhìn nhận về thách thức năm 2019, ông Thắng nói, mức độ cạnh tranh trên thị trường tăng dần, tình trạng vi phạm thương hiệu, gian lận thương mại diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi. Số lượng thương nhân phân phối tăng nhanh khiến cuộc cạnh tranh về giá thêm khốc liệt, ảnh hưởng lớn tới hệ thống trung gian, kênh bán lẻ.
Những yếu tố từ bên ngoài, như giá dầu thế giới diễn biến khó lường, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn vừa đưa vào hoạt động thương mại với 100% công suất đã bị sự cố, tác động nghiêm trọng tới kế hoạch tạo nguồn của Petrolimex trong quý I/2019.
Cũng tại đại hội, lãnh đạo Petrolimex trình cổ đông chấp thuận thông qua và uỷ quyền cho Hội đồng quản trị thực hiện dự án đầu tư xây dựng Toà nhà Petrolimex Tower (số 1 Khâm Thiên, Hà Nội) với tổng giá trị đầu tư gần 1.300 tỷ đồng.
Năm 2019 tập đoàn này đặt mục tiêu xuất bán gần 12,3 triệu m3, tấn xăng dầu, bằng 95% so với năm 2018 do ảnh hưởng của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn nên sản lượng bán của Công ty TNHH 1 TV Petrolimex Singapore bán về Việt Nam bị sụt giảm gần 900.000 m3, tấn.
Doanh thu hợp nhất 195.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.250 tỷ đồng; chia cổ tức tối thiểu 12%.
Nguyễn Hoài