Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã CK: PLX) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II năm nay, trong đó ghi nhận 38.449 tỷ đồng doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ. Kết quả này tăng xấp xỉ 10% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
Luỹ kế doanh thu thuần tất cả các lĩnh vực kinh doanh giai đoạn 6 tháng đầu năm đạt 74.250 tỷ đồng, tăng 26,4% nhờ giá dầu thô thế giới bình quân duy trì ở mức cao so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng mạnh đã kéo lợi nhuận trước thuế quý II của tập đoàn xuống còn 1.093 tỷ đồng, giảm hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương khoảng 332 tỷ đồng).
Luỹ kế lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 2.443 tỷ đồng và 2.015 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động kinh doanh xăng dầu chiếm tỷ trọng 48,3%. Đối với các hoạt động kinh doanh ngoài xăng dầu, lĩnh vực đóng góp lợi nhuận nhiều nhất là hoá dầu, nhựa đường và hoá chất với 440 tỷ đồng.
![petrolimex-bao-lai-giam-hon-330-ty-dong](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2017/08/01/Petrolimex-6945-1501594400.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=N0fwK23HjdVgGAJLY5Gbww)
Kinh doanh xăng dầu vẫn là mảng đóng góp lợi nhuận lớn nhất trong nửa đầu năm nay với 1.180 tỷ đồng.
Năm nay, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 143.208 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế dự báo giảm xấp xỉ 26%, xuống còn 4.680 tỷ đồng. Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở dự báo giá dầu thô thế giới ở mức bình quân 55 USD một thùng và sản lượng xăng dầu xuất bán khoảng 11,8 triệu tấn.
Lý giải về việc cắt giảm kế hoạch lợi nhuận sau một năm lãi cao chưa từng có, Petrolimex cho biết nguyên nhân chính xuất phát từ sự cạnh tranh quyết liệt của thị trường khi ngày càng nhiều đầu mối phân phối xăng dầu, cộng thêm một số khách hàng công nghiệp thực hiện chuyển đổi nhiên liệu từ mazut sang sử dụng gas hoặc nhiên liệu thay thế khác để giảm giá thành và đáp ứng yêu cầu về khí thải ra môi trường. Bên cạnh đó, Petrolimex dự báo mức biến động tỷ giá khoảng 3-4% trong năm nay sẽ tác động không nhỏ đến tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Tính đến cuối kỳ báo cáo, tổng tài sản của tập đoàn vào khoảng 58.813 tỷ đồng, tăng gần 4.600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Tổng nợ phải trả cũng tăng lên mức 33.226 tỷ đồng. Trong đó, ngắn hạn chiếm tỷ lệ hơn 90%. Báo cáo lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, công ty có 32.538 tỷ đồng tiền thu từ đi vay và dành hơn 30.724 tỷ đồng trả nợ gốc.
Dự kiến trong tháng 8 tới đây, tập đoàn sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 32,24% (tương đương 3.224 đồng cho mỗi cổ phiếu PLX). Với 1,16 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính tổng số tiền "ông lớn" xăng dầu sẽ chi cho đợt trả cổ tức bằng tiền mặt lần này khoảng 3.736 tỷ đồng.
Phương Đông