Sau tin Karl Lagerfeld qua đời vì bệnh nặng ở tuổi 85 hôm 19/2, chủ tịch PETA - Ingrid Newkirk - đăng tải trên Twitter: "Karl Lagerfeld đã qua đời và sự ra đi của ông đánh dấu kỷ nguyên mà loài người khao khát có được lông và da động vật kết thúc. PETA gửi lời chia buồn đến người thân của kẻ thù cũ của chúng tôi".
Ngay sau đó, cộng đồng Twitter đả kích gay gắt tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật vì lấy cái chết của nhà thiết kế làm chiến dịch chống sử dụng lông và da thú. Một người chia sẻ: "Tổ chức của ông có quan điểm riêng về việc sử dụng lông động vật. Còn lời chia buồn ác nghiệt của ông tốt hơn là không được nói ra. Hay ông còn muốn chỉ trích cả cái khố lông lạc đà của thánh John the Baptist?".
Trước những chỉ trích, Newkirk gửi thông cáo tới tạp chí People: "Có lẽ các bạn không nhận ra rằng tôi đã gần 70 tuổi, gần như cùng thế hệ với ngài Lagefeld. Và dù không thiết kế đồ lông thú, tôi từng mặc chúng trong nhiều năm. Vì thế, chẳng có ý xấu gì trong những nhận xét vừa qua. Đau buồn là có thật, và lời chia buồn với những người mất mát người thân cũng vậy, bất kể quan điểm đối nghịch của họ về lông thú".
Ông hoàng Chanel từng bị PETA chỉ trích gay gắt vì sử dụng lông, da cá sấu, da kỳ nhông, da rắn. Karl từng chia sẻ với The New York Times: "Với tôi mà nói, chừng nào loài người vẫn ăn thịt và mặc đồ da, sự chỉ trích đó chẳng có ý nghĩa gì cả".
Năm 2017, Karl Lagerfeld trả lời phỏng vấn với People ông luôn mong có được lông động vật theo cách nhân đạo hơn: "Giết hại động vật... Tôi ghét điều đó. Nó nên được thực hiện theo một cách tốt nhất có thể. Nếu PETA có thể trả lời tôi câu hỏi ai sẽ lập nên một hiệp hội để trả lương cho tất cả người làm trong ngành công nghiệp đó, một ngành công nghiệp hợp pháp, thì sẽ ổn hơn. Nhưng những điều gì là hợp pháp và những người kiếm sống từ công việc đó phải được tôn trọng, tôi rất tiếc. Hãy thay đổi luật trước và đừng cư xử như những kẻ khủng bố".
Dù vậy, tháng 12/2018, hãng Chanel - nơi Karl làm giám đốc sáng tạo - thông báo ngừng sử dụng da từ động vật như da cá sấu, da rắn, trăn, thằn lằn... đồng thời không sử dụng lông gấu, chồn, thỏ... Karl Lagerfeld khi đó nói đây là hành động tự nguyện vì môi trường.
Ngoài PETA, nữ diễn viên người Anh Jameela Jamil mới đây cũng nhận ý kiến trái chiều khi nói Karl tài năng nhưng không đáng phải tiếc thương đến vậy. Cô đăng tải trên Twitter cá nhân: "Một người tàn nhẫn có thành kiến với phụ nữ và kỳ thị người béo không nên được ca ngợi như một vị thánh khắp nơi trên Internet như vậy. Ông là một người rất tài năng, không cần bàn cãi, nhưng không phải là người tốt nhất".
Một người dùng Twitter bình luận: "Bất kể điều bạn nói đúng hay sai, rất nhiều người thích và tôn trọng con người này. Bạn có nghĩ sẽ tôn kính hơn khi đưa ra quan điểm sau khi nỗi đau của gia đình và bạn bè ông lắng xuống?".
"Tôi không nghĩ mọi người quên ông ấy là người như thế nào, hay cách ông ấy đối xử với người khác. Nhưng mọi người - đặc biệt những người trong ngành thời trang - đang dành thời gian để tôn vinh di sản của ông ấy - điều đáng trân trọng khi một ai đó có tầm ảnh hưởng qua đời", người khác viết.
Tuy nhiên, cũng có người đồng tình với nữ diễn viên khi viết: "Thật nản khi thấy nhiều phụ nữ coi ông ấy như một vị thánh. Cảm ơn bạn rất nhiều vì nói ra điều này". Nữ diễn viên Jameela cho biết sẽ tiếp tục đăng tải một bài viết ở Twitter để làm rõ quan điểm của mình.
Trước đây, Karl có khá nhiều phát ngôn gây ồn ào về phụ nữ. Ông từng chê ca sĩ Adele "hơi quá béo" và trả lời phỏng vấn một tạp chí của Đức rằng sẽ chỉ thuê người mẫu mảnh mai cho show diễn của mình vì "không ai muốn ngắm phụ nữ béo". Ông cũng từng bị chỉ trích vì phát ngôn lạnh lùng hạ thấp quyền và đạo đức của nghề người mẫu. Năm 2017, khi #Metoo (phong trào kêu gọi cộng đồng cùng chia sẻ, vạch trần những hành vi quấy rối và tấn công tình dục, đặc biệt tại nơi làm việc) trở thành một hiện tượng toàn cầu, ông hoàng Chanel lên tiếng: "Nếu không muốn bị tụt quần, thì đừng làm người mẫu! Hãy vào tu viện".
Thu Thảo