![]() |
"Performance art" là gì? Nghệ thuật này ra đời ở châu Á - châu Mỹ khoảng những năm 70, tiền thân được gọi là hội họa hành động. Performance art cho phép người nghệ sĩ phá bỏ ranh giới của mọi thể thức từ hội họa, âm nhạc đến sân khấu, phim ảnh để phục vụ cho một ý tưởng nghệ thuật có tính tổng hợp. Do đó, ý nghĩa của tác phẩm không còn là bề mặt thưởng ngoạn mà trở thành một không gian thưởng ngoạn. Ở đây, người sáng tạo trực tiếp truyền đạt những thông điệp nghệ thuật bằng các hành động diễn, buộc người xem phải "đối diện với các vấn đề của cuộc sống - giống như cách của báo chí truyền hình" Các họa sĩ Việt Nam với Performance art Giới mỹ thuật nhận xét rằng hàng loạt các cuộc trình diễn từ trước đến nay của các họa sĩ đều thấy ngay xu hướng tâm linh. Điều này không khác nhiều so với hội họa giá vẽ. Các họa sĩ của ta thường thích tìm đến một lý do cao siêu nào đó để làm ý tưởng chính của mình. "Hòa cùng vũ trụ" - cuộc trình diễn của Đào Anh Khánh được đánh giá là "đình đám" nhất từ trước tới nay. Triển lãm được dàn dựng trong không gian hơn 5.000 m2 suốt dọc đê dài 1 km đến trung tâm nhà sàn, tham gia cùng biểu diễn với anh có 200 người. Để chuẩn bị cho cuộc trình diễn, chỉ riêng mua vật liệu đã tốn hơn 100 triệu đồng. Đề tài quá lớn, đầy tính bao quát nhưng giới mỹ thuật nhận xét thiết kế chưa chặt chẽ, thiếu sắc sảo. Bằng hành động "múa", Đào Anh Khánh diễn giải từ sự chào đời của một con người đến lúc chết nhưng một số người xem cho rằng họ không thể hiểu mục đích chính của sự diễn giải đó là gì. Trong buổi trình diễn, anh kết hợp nhiều loại âm thanh từ ca trù đến nhạc tây và vận dụng ngôn ngữ "độc đáo". Khi diễn tả con người vừa mới ra đời, tiếng đầu tiên mà anh thốt lên là "Oh mother... Oh father...". Một cuộc trình diễn khác cũng gây khá nhiều tranh cãi là "Lễ hóa vàng tiễn vong linh" của Trần Việt Đức. Cùng với các âm binh, những trang phục vàng, đen, trắng, xanh hiện ra như một "thầy cúng" chủ trì buổi lễ đọc văn khấn. Một số người đến xem nhận xét bầu không khí tâm linh tạo hiệu quả ấn tượng cho người xem, trang phục và hình thức diễn rất giống kiểu "lên đồng". Một số chủ đề khác đặt ra những vấn đề mới của xã hội như "Giấc mơ Honda" của Nguyễn Văn Cường. Anh đã tạo ra những tiếng nhạc khác nhau từ các bộ phận của xe máy. Cùng diễn với anh là một nghệ sĩ violon. Cuộc trình diễn là sự kết hợp giữa những âm hưởng cổ điển của cây đàn và âm thanh đường phố phát ra từ xe máy, được đánh giá là đã đề cập khá trực tiếp đến mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Giới mỹ thuật đưa ra nhận định: Nhìn chung, các cuộc trình diễn chỉ có vỏ ngoài là tâm linh mà nội dung còn thiếu nhiều. Chúng có thể hấp dẫn nhưng ít tạo hiệu quả tích cực cho người xem, thậm chí gây hiểu lầm, hoặc thái độ "dị ứng" cho loại hình nghệ thuật này. Bên cạnh đó, đối tượng đến xem đa phần là người nước ngoài, còn người Việt Nam đến vì tò mò hơn là hòa nhập. Những người trong giới đều công nhận Performance art có khả năng tạo ra một sự hòa nhập lớn đối với xã hội. Ngôn ngữ cần dễ hiểu, từ đó người ta buộc phải suy ngẫm về các vấn đề nghiêm túc hơn. Hiện nay, xu hướng này ít được các nghệ sĩ chú tâm mà cũng có thể coi như một mảnh đất còn "bỏ ngỏ". Hiện nay, Performace art vẫn đang chọn lọc để tìm đường hướng riêng và hòa nhập vào xu hướng chung của nghệ thuật thế giới. (Theo Văn Nghệ Trẻ, 9/3). |