"Sau nhiều thế hệ Mỹ và các đồng minh bảo vệ tự do hàng hải và lợi ích của các quốc gia yêu tự do trên khắp châu Á - Thái Bình Dương, ngày nay, Trung Quốc quyết tâm mở rộng ảnh hưởng trên khắp khu vực thông qua các hành động khiêu khích quân sự và ngoại giao bẫy nợ", Phó tổng thống Mike Pence ngày 16/1 phát biểu khi thăm Căn cứ Không quân Hải quân Lemoore, một trong những hoạt động cuối cùng của ông trước khi hết nhiệm kỳ.
"Tôi kêu gọi chính quyền sắp tới đi đúng hướng, làm những gì chúng tôi đã làm, chống lại sự hung hăng và lạm dụng thương mại của Trung Quốc, giữ lập trường mạnh mẽ vì một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời đặt Mỹ và các đồng minh yêu tự do của chúng ta lên hàng đầu", ông nói.
Trump đã theo đuổi các chính sách cứng rắn với Trung Quốc về các vấn đề từ thương mại đến gián điệp và Covid-19, khiến quan hệ song phương xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Trong những ngày cuối nhiệm kỳ, chính quyền Trump tung một loạt động thái với Trung Quốc mà các nhà phân tích coi là nỗ lực nhằm "trói tay" Tổng thống đắc cử Joe Biden, buộc Biden phải tiếp tục cách tiếp cận cứng rắn với Bắc Kinh.
Ngày 15/1, Tổng thống Trump chỉ đạo các bộ ngành xem xét cách giảm thiểu mua hàng hóa và dịch vụ từ Trung Quốc để giảm rủi ro gián điệp. Lầu Năm Góc đã liệt một loạt doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách có quan hệ với quân đội bao gồm hãng chế tạo máy bay Comac, hãng sản xuất điện thoại Xiaomi. Mỹ cũng trừng phạt giám đốc điều hành các doanh nghiệp nhà nước, các quan chức và sĩ quan Trung Quốc, Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) với cáo buộc "sử dụng các biện pháp cưỡng bức với những quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông".
Hồi tháng 7/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra tuyên bố bác bỏ thẳng thừng yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Một tháng sau, Bộ Thương mại Mỹ đưa 24 doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vào danh sách đen, hạn chế khả năng tiếp cận linh kiện Mỹ do họ đã hỗ trợ Bắc Kinh xây đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Phương Vũ (Theo Fox)