Thông tin này được bà Pelosi đưa ra trong cuộc trò chuyện với truyền thông hôm 1/11, chỉ một ngày sau khi Hạ viện Mỹ tổ chức bỏ phiếu và chính thức thông qua cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump, liên quan tới cuộc điện đàm hồi tháng 7 giữa ông với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Trong cuộc điện đàm, Trump được cho là đã hối thúc Zelensky điều tra Joe Biden, ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 nhằm phục vụ mục đích chính trị cá nhân. Trump và Nhà Trắng bác bỏ cáo buộc này.
Pelosi cho biết không có hạn chót cho cuộc điều tra và các cuộc lấy lời khai bí mật của nhân chứng vẫn được tiếp tục, miễn là "có giá trị", bởi bất kỳ lý lẽ nào đem ra luận tội Tổng thống "đều phải rất vững chắc".
Pelosi cũng cho rằng quốc hội nên theo đuổi cuộc điều tra luận tội Trump bất kể tác động của nó đến thị trường tài chính như thế nào. "Thị trường có sức mạnh riêng và khả năng phục hồi", bà nói.
Phản ứng trước tuyên bố của Pelosi, Trump nói "bạn không thể luận tội một tổng thống không làm gì sai. Bạn không thể luận tội một tổng thống dẫn dắt nền kinh tế lớn nhất" khi ông chuẩn bị rời Nhà Trắng đến Mississippi vận động tranh cử.
Nói về quá trình luận tội, Pelosi không loại trừ cuộc điều tra tiếp tục tới 2020, năm bầu cử thổng thống, bởi sự xuất hiện của các đầu mối mới là không thể dự đoán. "Tôi không rõ lịch trình cụ thể, mọi thứ tùy thuộc vào sự thật. Chúng tôi chưa đưa ra quyết định nào về việc luận tội Tổng thống", bà nói.
Sau cuộc bỏ phiếu hôm 31/10 với kết quả 232 phiếu thuận và 196 phiếu chống, Hạ viện Mỹ chính thức mở ra một giai đoạn mới và công khai trong cuộc điều tra luận tội Trump.
Nếu Hạ viện Mỹ mở phiên điều trần luận tội và bỏ phiếu phê chuẩn điều khoản luận tội Trump, một phiên xử ở Thượng viện sẽ được tổ chức. Tuy nhiên, Trump sẽ chỉ bị kết tội và phế truất nếu 2/3 thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống lại ông, kịch bản khó có thể xảy ra bởi đảng Cộng hoà đang kiểm soát Thượng viện. Không nghị sĩ Cộng hòa nào bỏ phiếu thông qua cuộc điều tra luận tội Trump ở Hạ viện hôm 31/10.
Nhật Duy (Theo Bloomberg)