Trước khi đăng quang cùng Man City hôm qua, Manuel Pellegrini đã trải qua 11 năm liền không biết đến mùi vinh quang ở giải vô địch quốc gia kể từ lần vô địch Argentina Clausura cùng River Plate năm 2003.
Mạch không vô địch ấy trải dài qua ba đội bóng Tây Ban Nha mà ông từng dẫn dắt, gồm Villarreal, Real Madrid và Malaga. Vì thế, dù được đánh giá rất cao về kỹ chiến thuật, tâm huyết, Pellegrini bị đóng đinh trong định kiến về mẫu HLV có tài nhưng vô duyên với các danh hiệu lớn.
Định kiến ấy có lẽ không còn phù hợp từ hôm qua, khi Pellegrini rạng ngời nâng cao chiếc Cup vô địch Ngoại hạng Anh - bức chiến quả mà ông cùng Man City giành được sau một cuộc đua đường trường khốc liệt bậc nhất thế giới bóng đá.
Pellegrini không chỉ đoạt Cup, mà còn đoạt theo cách ấn tượng. Man City, dưới trướng ông, cán đích với 102 bàn thắng ghi được - nhiều thứ hai trong lịch sử Ngoại hạng Anh, chỉ kém kỷ lục Chelsea lập ở mùa 2009-2010 đúng một bàn. Đội bóng ấy cũng chơi thứ bóng đá phóng khoáng mà rất hiếm đội nào khác làm được tại Ngoại hạng Anh, với triết lý tấn công và sự hào hứng của khán giả làm tôn chỉ cao nhất.
Man City của Pellegrini không chỉ thể hiện sự vượt trội khi đè bẹp những đối thủ cứng cựa như Tottenham, Arsenal, Man Utd. Họ còn biết cách phát huy nội lực, ngay cả khi không thể thi đấu theo phong cách tấn công của mình, để giành trọn ba điểm như trên sân của Hull City (thắng 2-0) hay Everton (3-2). Đó là dáng dấp của một đội bóng lớn, một nhà vô địch - không chỉ đủ khả năng thắng các trận cầu lớn, mà còn biết cách giành điểm tối đa khi chơi không hay trước các đối thủ yếu hơn.
Pellegrini, nếu có thua thiệt, chỉ thua thiệt về khả năng đánh bóng hình ảnh bản thân. Ông không phải là nhân vật ưa thích của giới truyền thông như kiểu Arsene Wenger, người được ngợi ca suốt nửa đầu mùa giải khi Arsenal liên tục dẫn đầu cuộc đua và trình diễn thứ bóng đá đẹp, với nguồn cảm hứng từ bản hợp đồng đắt nhất lịch sử CLB - Mesut Ozil.
Đặt cạnh Jose Mourinho, Pellegrini cũng hoàn toàn lép vế. HLV người Chile không có khả năng ngôn ngữ để tham gia vào những màn đối đáp kiểu đâm bị thóc, chọc bị gạo đã trở thành kinh điển của "Người Đặc Biệt". Trong khi đó, dù sở hữu bản lý lịch nghèo nàn hơn bội phần, HLV của Liverpool, Brendan Rodgers vẫn được tung hô như truyền nhân của huyền thoại Bill Shankly. Pellegrini, trong khi đó, không có bất kỳ vị tiền bối nổi tiếng nào để tham chiếu ở Man City.
Sự dung dị của Pellegrini còn khiến Man City không được đánh giá cao, ngay cả trong thời điểm họ thăng hoa nhất, với mạch 20 trận bất bại. Sự bình thản, thái độ tôn trọng mà Pellegrini thể hiện trong hầu hết các cuộc họp báo thậm chí còn bị mô tả là nhàm chán. Giới chuyên môn tỏ ra rất khắt khe, tiết kiệm lời khen dành cho Pellegrini, có lẽ vì định kiến kiểu, với dàn sao khủng và cả núi tiền trả lương, HLV người Chile có nghĩa vụ phải giúp đội chơi tốt.
Ngay cả trong những tuần cuối, khi cánh cửa vô địch mở toang trước mắt Man City, chủ đề được bàn luận nhiều nhất trên truyền thông Anh chỉ xoay quanh việc Liverpool tự bắn vào chân và đánh rơi Cup vô địch, hơn là chuyện thầy trò Pellegrini sắp đăng quang.
Nhưng thực tế cho thấy dù cú trượt chân của thủ quân Liverpool, Steven Gerrard là bước ngoặt lớn trên đường đua vô địch, Man City sẽ không thể đăng quang nếu không có nỗ lực của bản thân họ. David Silva tỏa sáng trên hàng công với vai trò cảm hứng sáng tạo, trong khi Martin Demichelis, từng bị xem là vụ tuyển mộ thất bại, nổi lên như một hòn đá tảng mới trong hàng phòng ngự. Bên cạnh đó là Yaya Toure, Sergio Aguero hay Samir Nasri luôn biết cách tỏa sáng đúng lúc.
Thực tế cho thấy Man City xứng đáng bước lên đỉnh vinh quang và làm điều đó theo cách ấn tượng nhất, với một HLV can đảm và nghiêm túc. Ai đó có thể không thích, nhưng người chiến thắng có tất cả. Sau 38 chặng của cuộc đua tranh ngôi quán quân, Pellegrini và các học trò của ông, chứ không phải ai khác, mới là những người nở nụ cười mãn nguyện cuối cùng.
Phương Minh