Khi serie phim truyền hình tội phạm Peaky Blinders công chiếu vào năm 2013, người xem khắp thế giới mê mẩn dõi theo những phi vụ gay cấn trong các con hẻm đầy khói bụi và tội phạm ở Birmingham. Nó khiến khán giả choáng váng tự hỏi: Có phải Peaky Blinders dựa trên câu chuyện có thật?
Đạo diễn Steven Knight nói tên nhân vật chính của gia tộc giang hồ này là hư cấu, nhưng Peaky Blinders là băng đảng có thật, tranh giành quyền kiểm soát đường phố Birmingham một cách tàn nhẫn từ những năm 1880 đến 1910. Chúng phạm tội từ tống tiền, cướp, buôn lậu đến giết người, lừa đảo và chiến đấu dằn mặt các băng đảng thù địch khác.
Không giống hình ảnh giàu có trong phim, Peaky Blinders ngoài đời thực sự nghèo khó. Nguồn gốc của họ và những băng đảng khác đều từ điều kiện sống tồi tàn và khó khăn kinh tế vốn đã thống trị nước Anh công nghiệp vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Peaky Blinders nổi lên từ khu vực Small Heath ở Birmingham với phi vụ chém giết đầu tiên vào tháng 3/1890, mời phóng viên đến trực tiếp đưa tin. Đây chính là phong cách rất Peaky Blinders, gây án công khai để nổi tiếng trên các tờ báo quốc gia.
Bạo lực và hối lộ đã cho phép chúng kiểm soát ở mức độ rất lớn trong khu vực. Băng nhóm tội phạm này còn được nhận diện qua gu ăn mặc và phong cách thời trang đáng chú ý với đồng phục: đội mũ beret chóp nhọn, ủng da, áo ghi lê, áo khoác được thiết kế riêng và khăn lụa.
Vợ, bạn gái và tình nhân của các thành viên Peaky Blinders được biết đến là những người mặc quần áo xa hoa, đeo ngọc trai, mặc đầm lụa, đi giày cao gót da xịn và choàng những chiếc khăn đầy màu sắc.
Người đứng đầu băng đảng được cho là Thomas Mucklow, thường xuyên đổi tên. Mucklow nổi lên khi cầm đầu một cuộc tấn công đặc biệt đẫm máu và nhanh gọn vào ngày 23/3/1890, tại quán rượu Rainbow trên Phố Adderley. Nhận ra giọng một thành viên băng đối thủ đang gọi cốc bia gừng, hắn cùng Peaky Blinders đánh đối thủ nhập viện chỉ trong 10 giây.
Các thành viên khác của băng đảng xuất hiện thường xuyên trong hồ sơ cảnh sát, được miêu tả là "những thanh niên mồm mép, đi lang thang trên đường theo nhóm say xỉn, lăng mạ và hành hung người qua đường". Một số thành viên mang tiền án bạo lực, cướp có vũ khí, mang theo súng... khi chỉ 12 tuổi.
Băng đảng khét tiếng còn bởi các cuộc trả thù cảnh sát. Tháng 7/1897, cảnh sát trưởng chạm trán sáu thành viên Peaky Blinders trên Phố Bridge West sau khi chúng vừa nhậu say khướt. Đôi bên nói nhau qua lại, cuối cùng, những gã giang hồ đã đánh vỡ đầu ông bằng nửa viên gạch.
Với khóa thắt lưng, lưỡi kiếm và súng cầm tay, Peaky Blinders tham gia vào các cuộc" giao tranh" công khai với luật pháp và các băng đảng đối thủ. Cùng sự lớn mạnh theo thời gian, họ mở rộng lĩnh vực phạm tội sang cả buôn lậu, trộm cướp, hối lộ, cá cược, bảo kê, lừa đảo và cướp giật...
Chính quyền cử những cảnh sát trưởng cứng rắn đến đây để giải quyết tình hình. Song nỗ lực này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do "văn hóa tham nhũng" trong chính lực lượng cảnh sát. Nạn tham nhũng khi đó được các nhà sử học đánh giá, còn khó dẹp hơn cả nạn băng đảng.
Peaky Blinders biết rằng hối lộ sẽ mua được sự im lặng nên tiếp tục các hoạt động chém giết cướp bóc mà không bị cản trở.
Giáo sư Carl Chinn, nhà sử học ở Birmingham, bắt đầu nghiên cứu về các băng đảng khét tiếng từ những năm 1980, trong cuốn The Real Peaky Blinders, ông đánh giá không giống như nhân vật đáng hâm mộ trong phim Peaky Blinders ngoài đời thật sự "tàn bạo, độc ác, xấu xa".
Sau gần một thập kỷ, ảnh hưởng ngày càng tăng của nhóm tội phạm này đã thu hút sự chú ý của một băng đảng lớn hơn là Birmingham Boys. Peaky Blinders thất bại vào đầu những năm 1900 sau khi cố gắng vào ngành kinh doanh đua ngựa và bị băng Birmingham Boys chiếm ưu thế.
Nhiều yếu tố đã góp phần làm giảm ảnh hưởng của Peaky Blinders. Song quan trọng nhất, là sự xuất hiện của cảnh sát trưởng Charles Rafter.
Cuộc dẹp loạn của tân cảnh sát trưởng
Năm 1899, Chính phủ quyết tâm thay máu lực lượng hành pháp để lột xác Birmingham. Việc đầu tiên là tuyển cảnh sát trưởng mới.
Rafter là một trong 50 ứng cử viên nộp đơn. 8 ứng cử viên lọt vào danh sách phỏng vấn vòng 2, chỉ có Rafter xuất hiện trong bộ đồng phục. Điều này gây ấn tượng với Ủy ban Thành phố và họ đã nhất trí quyết định bổ nhiệm ông với mức lương 800 bảng Anh.
Tân cảnh sát trưởng 42 tuổi được chính phủ giao nhiệm vụ "xoay chuyển cục diện thành phố" lớn thứ hai của quốc gia - Birmingham và tiêu diệt các băng đảng, đặc biệt là Peaky Blinders. Khi Rafter được bổ nhiệm, cả thành phố có 700 cảnh sát, tức 654 người dân có một sĩ quan.
Sau khi Rafter quản lý lực lượng cảnh sát Birmingham, ranh giới của thành phố được mở rộng, kết hợp các vùng ngoại ô xa xôi. Tức ông và lực lượng của mình sẽ phải quản lý diện tích lớn gấp 3 lần và gần 900.000 dân, gấp đôi trước đó.
Tất cả tạo ra những thách thức mới cho việc kiểm soát một khu vực đô thị lớn như vậy. Rafter đã lường trước được rắc rối. Ông lập tức bắt tay vào "chiến dịch" tuyển dụng nhanh chóng 500 thanh niên khỏe mạnh để làm dày lực lượng cảnh sát.
Ông hỏi họ ba điều trong cuộc tuyển dụng: Anh biết đọc không? Anh biết viết không? Và, anh có thể chiến đấu không?
Cảnh sát trưởng cần những thanh niên có trình độ học vấn nhất định, nhưng cũng phải là những chàng trai cứng rắn và quyết tâm rèn luyện thể chất.
Ông cho xây thêm hàng chục đồn cảnh sát, trước đây chỉ là 14. Một mạng lưới điện thoại cột trên toàn thành phố cũng đã được lắp đặt để tạo điều kiện liên lạc tốt hơn giữa cảnh sát và người dân. Ông cũng tăng cường đội tuần tra bằng xe hơi thay vì ngựa.
Với những cú lột xác về lực lượng và công nghệ, cảnh sát đứng trước cơ hội chiến đấu để có thể trấn áp tội phạm.
Với lực lượng hùng hậu hơn, cảnh sát thực hiện được nhiều vụ bắt giữ hơn. Từ đây, phần thứ hai trong kế hoạch của ông Rafter được triển khai: Đảm bảo có "những bản án nghiêm khắc hơn" để thị uy những kẻ "giang hồ mới nhú".
Điều này đã tạo thêm niềm tin cho người dân, dẫn đến số lượng tội phạm được báo tin đã nhiều hơn. Trước đây, dân Birmingham quá sợ hãi việc đến gặp cảnh sát để báo án hoặc cung cấp thông tin, vì biết Peaky Blinders sẽ trả thù. Nhưng cảnh sát trưởng Rafter đã thay đổi điều này.
Với nhiều biện pháp hiệu quả, cùng với những thay đổi xã hội và sự ra đời của các hoạt động giải trí tốt hơn dành cho thanh niên như bóng đá, quyền anh... đã khiến số lượng người gia nhập băng đảng ít đi.
Các phương pháp cứng rắn và của tân cảnh sát trưởng đã thành công và vào năm 1910, Peaky Blinders gần như biến mất.
Đến những năm 1920, băng nhóm tội phạm hào hoa, sành điệu này đã chính thức biến mất. Peaky Blinders sau này trở thành thuật ngữ chung ở Anh, chỉ những thanh niên đường phố bạo lực.
Tuy nhiên tai tiếng và phong cách của băng đảng vẫn là một hiện tượng văn hóa và lịch sử vẫn đang thu hút sự chú ý cho đến ngày nay, đặc biệt trong phim ảnh.
Serie phim Peaky Blinders với sự tham gia của các diễn viên Cillian Murphy, PaulAnderson, Sam Neill và Helen McCrory, công chiếu lần đầu vào tháng 9/2013 đã khiến băng nhóm tội phạm này và phong cách thời trang cổ điển được biết đến nhiều hơn.
Đạo diễn Steven Knight chia sẻ lý do làm serie phim: "Bố mẹ tôi lớn lên ở Birmingham vào những năm 1920. Một trong những câu chuyện đầu tiên truyền cảm hứng cho tôi là về cha tôi khi còn nhỏ được sai đi gửi một lá thư của băng đảng. Ở đó, cha tôi thấy một bàn phủ đầy tiền và súng, xung quanh là những gã đàn ông ăn mặc bảnh bao, đang uống bia từ những cái vại nửa lít. Họ là Peaky Blinders".
Hải Thư ( Historic UK, History West Midlands, ATI)