Điểm tín dụng là điểm số thể hiện khả năng thánh toán nợ của một cá nhân hay tổ chức, được tính toán dựa vào việc phân tích hồ sơ lịch sử tín dụng của họ. Điểm số này sẽ tăng hay giảm tùy vào thay đổi tích cực hay tiêu cực trong việc vay nợ của khách hàng.
Tại các thị trường phát triển, các tổ chức tín dụng dựa vào điểm tín dụng để đánh giá mức độ rủi ro khi cho một khách hàng vay nợ. Từ đó, ngân hàng và các công ty tài chính có thể xác định có cho khách hàng vay đó vay hay không và nếu có thì tỷ lệ lãi suất là bao nhiêu, hạn mức cho vay như thế nào. Đây là một công cụ quản lý rủi ro đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới, không chỉ trong ngành ngân hàng mà còn hữu ích đối với các công ty viễn thông, tổ chức bán lẻ, nhà cung cấp các dịch vụ tiện ích như điện, nước, ga…
Ngân hàng có thể xây dựng nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn cho người tiêu dùng dựa vào thông tin từ báo cáo tín dụng và điểm tín dụng. Thông tin này cũng hỗ trợ công tác quản lý rủi ro tại các tổ chức tín dụng, từ đó giúp giảm chi phí. Điểm tín dụng còn giúp tự động hóa quá trình phê duyệt khoản vay, cắt giảm thời gian phê duyệt và chi phí hoạt động cho ngân hàng, góp phần làm giảm lãi suất cho vay.
Đối với người dân, người đi vay có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay với chi phí thấp, nhanh chóng và công bằng hơn do quá trình chấm điểm được thực hiện hoàn toàn tự động dựa vào các thông tin từ hồ sơ vay vốn và báo cáo tín dụng từ trung tâm thông tin tín dụng. Tại các thị trường Âu, Mỹ, điểm tín dụng là một công cụ đảm bảo cho sự phát triển bền vững của tín dụng tiêu dùng.
Điểm tín dụng của PCB là sự kết hợp giữa hai thang điểm khác nhau gồm điểm tín dụng được tính toán dựa vào lịch sử tín dụng của khách hàng và điểm hồ sơ (Generic Application Scorecard) dựa vào các thông tin từ hồ sơ đề nghị vay vốn của khách hàng như độ tuổi, ngành nghề, thời gian công tác, thu nhập, tình trạng hôn nhân… Điểm hồ sơ có thể đánh giá được hồ sơ của người đi vay lần đầu tiên. Sản phẩm này phù hợp với thị trường Việt Nam, nơi có gần 90% dân số chưa từng vay mượn tại các tổ chức tín dụng.
Để có thể đem lại giá trị cao nhất, điểm tín dụng cần có thời gian tinh chỉnh, hoàn thiện nhằm phù hợp với thị trường. Các tổ chức tín dụng cũng cần có thời gian làm quen trước khi có thể áp dụng trực tiếp vào hệ thống phê duyệt tín dụng nội bộ của mình.
Minh Trí