![]() |
Ảnh: Economist |
Sau hơn 20 năm gây dựng sự nghiệp, Dell cho biết bố mẹ ông vẫn không hoàn hoàn ủng hộ quyết định của ông khi bỏ trường đại học Texas để mở công ty đạt doanh thu 56 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua.
- Chiếc máy tính đầu tiên của ông như thế nào?
Khi còn học trung học, tôi đã có cơ hội sử dụng hệ thống máy tính RadioShack. Nó có giá khoảng 800 USD và được trang bị cửa băng cassette chứ không phải ổ cứng. Thời đó còn chưa có cả đĩa mềm. Thiết bị này thực sự đã quyến rũ tôi.
- Ông thường làm gì với nó?
Tôi chỉ làm toán, tìm hiểu và lập trình bằng ngôn ngữ Basic. thời kỳ đầu của ngành công nghiệp máy tính, một thiết bị như thế mang lại cho người ta rất nhiều hứng khởi và họ tin rằng nó sẽ thâm nhập sâu vào các lĩnh vực y tế, doanh nghiệp, giáo dục và giải trí, dù chẳng ai biết chính xác mọi chuyện sẽ diễn ra thế nào.
- Ông cảm thấy thế nào khi máy tính lột xác từ một thiết bị xa xỉ thành hệ thống mà ai cũng có thể sử dụng?
Đó chính là lý do khiến tôi bỏ học. Năm 1984, tôi bắt đầu mở công ty với niềm tin rằng sẽ ngày càng nhiều người biết sử dụng máy tính và họ có thể mua chúng mà không cần trực tiếp đến các cửa hàng.
- Ông đã làm gì để thuyết phục bố mẹ khi bỏ học?
Tôi chẳng làm gì cả. Họ không tán thành ý tưởng của tôi. Còn tôi, ở cái tuổi 18 - 19, tôi là kẻ bất trị, nổi loạn, chỉ làm những gì tôi muốn và mọi thứ đã diễn ra suôn sẻ.
- Một nguyên nhân tác động đến sự thành công của PC là 25 năm trước IBM đã cho phép các công ty khác phát triển ứng dụng trên hệ thống, như hệ điều hành của Microsoft. Theo ông chuyện gì sẽ xảy ra nếu IBM không làm thế?
- Vâng, đó là một quyết định mang tính đột phá. Họ đã tạo nên một "hệ sinh thái", phá bỏ kiểu phát triển PC độc quyền hoặc bán độc quyền. Tuy nhiên, nếu IBM và Microsoft không làm thế, tôi tin rồi sẽ có người khác thực hiện điều tương tự.
Dù sao, ngày 12/8/1981 (ngày hệ thống PC của IBM xuất hiện) cũng là một thời khắc quan trọng vì nó khiến điện toán cá nhân bắt đầu nở rộ, tạo điều kiện cho mọi tổ chức từ công ty phát triển từ ứng dụng phần mềm đến chipset tham gia
- 20 - 25 năm nữa, PC sẽ như thế nào?
Tôi nhớ 10 năm trước, có ai đó nói rằng chúng ta đang ở trong thời kỳ "hậu PC". Tôi đã hỏi lại: "Nghe thú vị thật đấy, nhưng hậu PC nghĩa là như thế nào?".
Sản lượng máy tính vẫn tiếp tục tăng lên, năm nay sẽ có khoảng 240 triệu PC được tiêu thụ trên toàn thế giới. Nhiều chủng loại thiết bị mới ra đời, nhưng máy tính cũng lập tức thích nghi và tiến hóa. Chúng đa dạng về kích cỡ, hình dáng, cố định và di động, được trang bị chip lõi kép và đa lõi với rất nhiều các biến thể khác nhau.
Tôi cho rằng PC vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu, nếu xét riêng về mức độ phát triển. Kết nối băng rộng tốc độ cao, sợi quang, công nghệ không dây... sẽ thay đổi quan niệm về máy tính. Nhưng dù thế nào, PC cũng sẽ không bị loại trừ trong các lĩnh vực như văn phòng, giải trí, giáo dục và y tế.
- Khi nhìn lại chặng đường phát triển của PC, ông nhận thấy những nhân tố nào đã khiến nó thành công như ngày nay?
Thứ nhất phải kể đến cuộc cách mạng bán dẫn, mang đến những cải tiến đáng kể về hiệu suất và khả năng kết hợp một lượng lớn bóng bán dẫn lại với nhau trên một gói sản phẩm nhỏ hơn và ít đắt đỏ hơn.
Thứ hai chính là hiệu ứng từ "hệ sinh thái" mà IBM khởi xướng cùng Intel và Microsoft. Cũng nhờ vậy mà Dell đã bán ra được hơn 200 triệu máy tính trên toàn thế giới, riêng năm nay là 40 triệu.
- nhà ông đang sử dụng máy tính như thế nào?
Tôi đang dùng hệ thống cao cấp Dell Precision 690 với hai chip lõi kép Intel Woodcrest (Xeon 5100), màn hình 30 inch với độ phân giải 8,2 triệu pixel.
Hải Nguyên (theo CNet)