H.T. -
Coelho còn làm một việc, có thể coi là "bất chính". Ông thích quảng bá cho những trang vi phạm tác quyền đối với sách của mình. Tại Hội nghị Kỹ thuật số - Cuộc sống - Thiết kế tổ chức gần đây tại Munich, Đức, Coelho đã phát biểu trước đông đảo tổng giám đốc các công ty công nghệ, nghệ sĩ và nhà thiết kế rằng: Kể từ 2005, ông đã chỉ dẫn cho độc giả tìm đến một trang web để họ có thể download miễn phí sách của ông bằng đủ loại ngôn ngữ, từ tiếng Đức đến tiếng Nhật.
Khi trao đổi chuyện này HarperCollins - nhà xuất bản của Coelho - Patricia Rose, đại diện của Harper cho biết, họ không biết gì về các hoạt động trên mạng của nhà văn.
Coelho thường xuyên cập nhật tin tức trên blog của mình. |
Việc làm của Coelho đã hâm nóng lại vấn đề sở hữu tác quyền từng ầm ĩ trong làng xuất bản nhiều năm qua. Bổ sung cho những chiêu thức tiếp thị sách truyền thống như ký tặng sách, đăng phê bình... bằng cách "thả cửa" cho độc giả download miễn phí, Coelho là nhà văn đi đầu trong một phong trào đang ngày càng lôi cuốn nhiều tác giả khác. Những cây bút viết sách hướng dẫn nghệ thuật sống, sách học thuật và các tiểu thuyết gia truyện khoa học viễn tưởng như Cory Doctorow đã bắt đầu tung toàn bộ tác phẩm của họ lên mạng để độc giả tha hồ thưởng thức, tất nhiên, với sự cho phép của nhà xuất bản. Nhiều nhà văn thừa nhận, xuất bản online đã làm tăng doanh số tiêu thụ sách của họ nhờ hiệu quả của phương thức truyền miệng. Nhưng phần lớn các nhà xuất bản vẫn rất ngần ngại với việc đưa sách lên mạng, vì lo ngại bị sụt giảm doanh số tiêu thụ, mất tiền bán bản quyền cho các đối tác nước ngoài. Vấn đề là không ai biết rõ việc cung cấp sách online miễn phí cho độc giả có tác động như thế nào đối với việc bán sách in, vì chưa có bất cứ cuộc khảo sát nào được thực hiện. "Tôi nghĩ, Internet vẫn là một thế giới còn xa lạ với các nhà xuất bản. Họ không dám chắc là chúng có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực", Monica Antunes - người đại diện của Coelho - phát biểu.
Coelho đã lựa chọn một số trang web tải trái phép truyện của ông như BitTorrent và eMule để giới thiệu cho độc giả. Bạn đọc có thể tiếp cận với những trang này khi click vào ảnh nhà văn trên blog của ông. Đó là hình ảnh một quý ông ăn vận trang trọng, râu bạc trắng, khăn quàng qua đầu, đeo miếng che mắt. Trông ông như một tên cướp biển lịch sự.
Nhà văn Paulo Coelho. |
Cây bút Brazil này đã bán được hơn 100 triệu bản sách, trong đó có tiểu thuyết Nhà giả kim và 14 tập truyện ngắn. Coelho tin rằng, những hoạt động trên mạng của ông chỉ góp phần đẩy mạnh doanh số tiêu thụ sách. Năm 1999, nhà văn vô tình tìm thấy một trang web tiếng Nga, đưa sách của ông lên mạng một cách trái phép. Coelho lập tức đưa đường link này lên trang web của mình. Việc làm của ông có hiệu quả tức thì. Doanh số tiêu thụ sách ở Nga của ông tăng vọt, từ 1.000 cuốn mỗi đầu sách đến khoảng 10.000 cuốn năm 2001. Từ đó đến nay, độc giả Nga đã tiêu thụ hơn 10 triệu bản sách của ông. Trong 7 năm qua, số người download sách của nhà văn với đủ loại ngôn ngữ, từ tiếng Tây Ban Nha đến tiếng Thụy Điển tăng gấp 20 lần. Nhà văn nói: "Bằng cách xuất bản online, bạn đã tạo cho độc giả cơ hội đọc sách để quyết định có nên mua nó hay không".
Phần còn lại là tùy thuộc vào các nhà xuất bản. Họ có thể tìm cách hạn chế việc phát tán các bản copy lậu trên mạng bằng cách chỉ cho phép tải miễn phí một số chương hoặc thiết lập phần mềm quản lý để những độc giả mua tác quyền đọc sách qua thiết bị điện thoại di động không thể chia sẻ với bạn bè.
Một số nhà xuất bản đã bắt đầu quan tâm tới việc cho phép tự do download. Nhà xuất bản Đại học Yale đã đồng ý tải cuốn sách The Public Doman của James Boyle lên mạng miễn phí. Việc làm này xuất phát từ thành công của cuốn The Wealth of Networks của Yochai Benkler. The Wealth of Networks vẫn trở thành một tác phẩm ăn khách nhất dù nó đã được đưa lên Internet cho độc giả truy cập không mất phí. Nhà xuất bản Baen cũng có một thư viện online, nhưng chỉ cho phép độc giả được đọc tự do những đầu sách cũ.
Công nghệ số ảnh hưởng như thế nào đến ngành in vẫn còn là một câu hỏi mở. Nhưng Coelho cho rằng, các nhà xuất bản không việc gì phải lo lắng. Sự đón nhận loại hình e-book của độc giả vẫn còn nhiều dè dặt. Năm 2000, Coelho từng viết một tập truyện ngắn chỉ dành riêng để đưa lên mạng, không in ra sách. Tác phẩm được hàng trăm nghìn lượt người download nhưng không độc giả nào chịu để lại một lời bình luận theo như lời mời của tác giả. Họ chỉ chịu lên tiếng khi một số truyện trong tập đó được in thành sách 6 năm sau. Tác phẩm vẫn bán được 180.000 bản tại các quốc gia nói tiếng Anh. "Tôi không hy vọng đây là cuốn sách bán được. Nhưng đúng là người ta vẫn chờ đợi sách được chính thức in ra sau khi đã đọc trên mạng", nhà văn nói. Sách, theo ông, là một "công nghệ mà người ta đã tạo ra từ 500 đến 600 năm trước và nó vẫn rất có tác động".
(Nguồn: Newsweek)