CLB từng thuộc nhóm bảy đội mạnh của Serie A phá sản hồi cuối tháng sáu năm nay. Ho sẽ bắt đầu lại từ Serie D – hạng cao nhất trong hệ thống bóng đá nghiệp dư Italy - với tên gọi mới Parma Calcio 1913.
Mới đây, các đại diện quản lý CLB này còn phải công bố sẽ bán một loạt các phần thưởng mà Parma từng giành được trong quá khứ để giảm nợ, và tăng ngân sách hoạt động của đội bóng. Các chiếc Cup được đấu giá gồm hai Cup UEFA (1995 và 1999), ba Cup quốc gia Italy, một Siêu Cup châu Âu, và một Cup C2 châu Âu.
Họ còn phải bán đấu giá cả một số thiết bị phòng tập thể dục, và đồ nội thất.
Các hồ sơ dự thầu mua đấu giá các giải thưởng và thiết bị cũ của Parma phải được gửi tới đại diện quản lý CLB này không muộn hơn ngày 11/9.
Trước đó, không có nhà đầu tư nào chấp nhận mua lại thương hiệu đội bóng và đứng ra trả khoản nợ gần 80 triệu đôla liên quan đến các hoạt động thể thao để Parma có thể bắt đầu lại từ giải Serie B mùa tới. Theo số liệu mà Parma cung cấp trong đơn xin phá sản hồi đầu năm, CLB này chịu tổng các khoản nợ lên tới khoảng 234 triệu đôla.
Sau khi được toà án tuyên phá sản, Parma bị xóa sổ khỏi bản đồ bóng đá đỉnh cao Italy và bắt đầu trở lại từ hạng nghiệp dư Serie D với một cái tên khác từ mùa giải tới.
Mùa giải vừa qua, họ kết thúc Serie A ở đáy bảng với chỉ 20 điểm sau 38 trận, dù có một số thắng lợi trên sân nhà trước các đội mạnh như Inter, Fiorentina và cả nhà vô địch Juventus.
Parma, thành lập năm 1913, là một trong những đội bóng có bề dày truyền thống và thành tích của bóng đá Italy. Họ từng là một niềm tự hào của bóng đá Italy ở tầm châu lục và là thành viên nhóm "bảy bà chị" chơi áp đảo ở Serie A trong thời hưng thịnh của giải đấu này - những năm 1990 đầu 2000.
Khi đoạt Cup UEFA năm 1999, Parma sở hữu nhiều cầu thủ đẳng cấp thế giới trong đội hình như Cannavaro, Thuram, Sensini, Veron, Crespo.
Nguyễn Phát