- Ông từng công khai ý định chỉ dẫn dắt một đội tuyển trong năm 2019. Nhưng bây giờ, ông kiêm nhiệm cả đội U22 dự SEA Games 2019 lẫn đội tuyển quốc gia dự vòng loại World cup 2022. Cụ thể sự việc đó thế nào?
- Năm 2018, các đội tuyển của Việt Nam trải qua nhiều giải đấu, đều rất thách thức. Tôi thấy nếu tập trung cho một đội tuyển, chúng ta sẽ có kết quả tốt hơn, nhất là quá trình phân tích cầu thủ. Trong năm 2019, có hai giải quan trọng là SEA Games và World Cup, với lịch thi đấu gần nhau. Nếu chúng ta có sự lựa chọn, tôi nghĩ kết quả có thể sẽ tốt hơn.
Trong quá trình thống nhất nội bộ, chúng tôi quyết định là tôi sẽ dẫn dắt đội tuyển quốc gia. Lee Young-jin sẽ nắm đội U22. Tất nhiên, vẫn sẽ có những dịch chuyển về nhân sự, bởi Lee vừa giúp tôi ở đội tuyển quốc gia, vừa phải cầm quân ở SEA Games. Sau đó, tôi đã gặp các lãnh đạo và HLV của các CLB, và thấy rõ giá trị của SEA Games đối với người Việt Nam. Các quan chức cũng nhấn mạnh mục tiêu giành HC vàng. Họ đề nghị tôi dẫn dắt đội U22 dự giải đấu này. Chính phủ rất khát khao. Người hâm mộ cũng vậy, bởi đây là mong muốn suốt 50 năm qua. Vì thế, tôi đã đề nghị các bên tạo điều kiện cho tôi, nếu được chuẩn bị 5 tuần, tôi sẽ cố gắng giành HC vàng. Trước giải U23 châu Á năm ngoái, tôi cũng có 5 tuần để rèn quân. Và tất cả đều nhất trí. Bởi vậy, tôi sẽ làm HLV ở cả đội tuyển quốc gia lẫn đội U22.
- Ông nhắc nhiều đến chỉ tiêu HC vàng. Nó có thực sự gây áp lực cho ông không?
- Tôi khẳng định là: Có. Cho đến lúc này tôi đã trải qua bốn giải đấu lớn cùng Việt Nam. Không giải nào dễ dàng cả. Tất cả đều áp lực. Nhưng tôi luôn tâm niệm rằng tôi sẽ nỗ lực hết sức để đạt mục tiêu đã đề ra. Tôi không phải mẫu người sẽ rút lui khi chịu áp lực.
- Bộ khung đội hình của Việt Nam ở vòng loại U23 châu Á sắp tới thế nào?
- Chúng tôi đã triệu tập 37 cầu thủ từ ngày 6/3. Đến 16/3, chúng tôi sẽ giao hữu với Đài Loan. Sau trận đấu đó, chúng tôi mới có đội hình sơ bộ, rút xuống còn 25 hoặc 27 người. Đến ngày 20/3, chúng tôi sẽ chốt danh sách. Hiện tại có ba cầu thủ chấn thương, đã phải cho về CLB. Một số cầu thủ khác vẫn đang được điều trị. Riêng Đình Trọng, mọi chuyện tiến triển tốt. Cậu ấy đã phẫu thuật ở Hàn Quốc. Sau khi về nước, Đình Trọng đã được chụp chiếu và cho kết quả tốt. Việc điều trị không để lại di chứng nào. Các bác sĩ cũng đánh giá tích cực. Cậu ấy thoải mái trên sân tập. Có thể Đình Trọng chưa thi đấu ngay, nhưng vẫn tập luyện đầy đủ. Chúng tôi sẽ có phương án dự phòng cho việc cậu ấy không thi đấu.
- Ông so sánh thế nào giữa đội hình năm nay với đội U23 ở Thường Châu?
- Cả hai đội đều tuyệt vời. Về thể hình, lứa này thậm chí nhỉnh hơn. Về kỹ thuật, cả hai đội đều có ưu và nhược điểm riêng. Nhưng chắc chắn họ đều là thế hệ tương lai của bóng đá Việt Nam. Chúng tôi đã phân tích chỉ số hình thể, và kết luận rằng cả hai đội đều có chỉ số tương đồng. Chẳng hạn, tỷ lệ mỡ trong cơ thể khá ít, sức mạnh phần thân trên còn yếu...
- Ông nghĩ gì về khả năng tiếp nhận thêm các cầu thủ Việt kiều?
- Cá nhân tôi hoan nghênh những cầu thủ đó trở về và thi đấu cho Việt Nam. Nhưng điều này cần nhiều bước. Đầu tiên là thủ tục, rồi trao đổi với VFF. Sau đó, chúng ta mới đánh giá năng lực, tư chất, cách giao tiếp của họ với các đồng đội.
- Hợp đồng của ông sẽ hết vào tháng 1/2020. Người hâm mộ Việt Nam rất muốn giữ ông ở lại bằng một cam kết sớm và dài hạn. Ông chia sẻ gì về điều này?
- Trong hợp đồng hiện tại của tôi có điều khoản: ba tháng trước khi đáo hạn, hai bên sẽ ngồi lại với nhau. Tuy nhiên, từ nay đến lúc đó chúng tôi còn nhiều giải đấu, và cần tập trung cho điều đó. Khi nào cần thảo luận về hợp đồng, tôi và VFF sẽ ngồi riêng.
- Ông đã được tăng cường khá nhiều trợ lý đợt này. Điều khác biệt giữa nhóm này với nhóm trước đây là gì?
- Trong thành phần ban huấn luyện của tôi, các trợ lý Việt Nam vẫn chiếm số đông. Tôi cần nhiều trợ lý là bởi hiện tại phải chia làm hai đội. Có thêm anh Đinh Hồng Vinh, nhưng vắng anh Lư Đình Tuấn. Về trợ lý thể lực, trước đây có HLV Brazil - Willander Fonseca, nhưng hiện nay cậu ấy bận học bằng HLV châu Á. Vì thời gian gấp rút, tôi phải dùng quan hệ riêng mời HLV Lee Tae-hoon. Cậu ấy có kinh nghiệm ở Đông Nam Á, từng ba lần dự SEA Games dưới tư cách HLV trưởng. Cậu ấy chỉ hỗ trợ thời gian này, chứ không ký hợp đồng dài hạn với VFF. Đó chỉ là người được hỗ trợ từ HAGL.
- Có thông tin rằng ông đã nhận được nhiều đề nghị từ các nơi khác thời gian qua?
- Tôi xin phép không trả lời câu hỏi này. Tôi thực sự yêu Việt Nam. Tôi sẽ nỗ lực hết sức để giữ liên lạc tốt nhất với VFF.
- HLV Lê Huỳnh Đức gần đây đã nhận xét không tốt về Hà Đức Chinh, thậm chí cho rằng tiền đạo này không xứng đáng lên đội tuyển. Ông sẽ làm gì với cậu ấy?
- Tôi tôn trọng ý kiến của Huỳnh Đức. Nhưng tôi nghĩ nếu muốn Đức Chinh có phong độ tốt, CLB nên có trách nhiệm giúp cậu ấy. Ở V-League hiện nay có một vấn đề: năm ngoái chỉ cho 2 ngoại binh, năm nay tăng lên 3. Chúng ta đều biết ở V-League, khoảng 70% đến 80% tiền đạo là ngoại binh. Nếu cứ duy trì điều ấy, rất khó sản sinh tiền đạo giỏi cho Việt Nam.
Tôi đã xem trận Đà Nẵng - Viettel, và nhận thấy rằng hai tiền đạo ngoại của Đà Nẵng cũng không tạo được nhiều cơ hội. Nguyên nhân phong độ không tốt của Đức Chinh có thể đến từ cậu ấy. Nhưng, chúng ta nên suy nghĩ xem việc sử dụng tiền đạo ngoại sẽ ảnh hưởng như nào tới nền bóng đá nói chung. Tôi không có ý coi thường cầu thủ ngoại, nhất là những tiền đạo, họ chơi bóng bổng và có thể hình tốt. Các CLB V-League hầu hết dùng cách chơi này, bởi các hậu vệ Việt Nam đa phần kém thể lực và thể hình. Nhiều khi tôi rất băn khoăn, liệu cách chơi bóng bổng có phù hợp với lộ trình phát triển của bóng đá Việt Nam hay không? Chúng ta đều biết, việc tăng thêm một cầu thủ ngoại cho CLB, sẽ gây khó cho cầu thủ nội. Tôi xin hỏi lại, nếu Đà Nẵng dùng hai cầu thủ ngoại, Đức Chinh lấy đâu ra cơ hội để cạnh tranh?
Các giải vô địch quốc gia châu Âu cũng có nhiều cầu thủ ngoại, nhưng các cầu thủ bản địa cũng ra nước ngoài thi đấu rất nhiều. Cung cầu ở các nước đó gần như cân bằng. Nhưng ở Việt Nam, không thể có chuyện đó.
- Có ý kiến cho rằng, các bài tập của HLV thể lực mới đang khiến các cầu thủ quá tải. Ông đánh giá thế nào về việc này?
- Dù là trợ lý thể lực mới, mọi giáo án đều thông qua tôi. Tôi sẽ đánh giá xem nó có phù hợp với thể trạng cầu thủ Việt Nam, và lịch thi đấu hay không. Chúng tôi luôn trao đổi với nhau. Trợ lý Park còn trẻ, ít kinh nghiệm, nhưng có nhiều chuyên môn mới hơn so với Bae trước đây. Park từng học ở Đức, Anh.
- Ông nghĩ gì về việc Việt Nam chỉ có ba cầu thủ ra nước ngoài?
- Nếu cầu thủ Việt Nam được thi đấu ở các giải vô địch có trình độ cao hơn, đó là điều tốt cho tương lai bóng đá nước nhà. Tôi không thể trực tiếp giúp cầu thủ ra nước ngoài thi đấu. Việc đó thuộc về các CLB chủ quản. Mấy hôm trước, Công Phượng được vào sân ở K-League. Tôi đã nhắn tin chúc mừng. Tôi cũng đốc thúc các trợ lý để luôn có thông tin cập nhật về Công Phượng. Thời gian tới, tôi chắc chắn Công Phượng sẽ có nhiều thời gian vào sân hơn. Tôi tin chắc cậu ấy sẽ thích ứng được với bóng đá Hàn Quốc. Tôi đã nói với cậu ấy trong lễ ra mắt CLB mới rằng: "Mỗi đội sẽ có một HLV khác nhau. Yêu cầu của HLV với cầu thủ sẽ khác nhau. Giờ về Incheon, khi HLV yêu cầu về chiến thuật, dù hoàn cảnh nào, con cũng cần có thái độ đúng, thực hiện tuyệt đối yêu cầu của HLV". Nếu Công Phượng làm được như thế, tôi chắc chắn cậu ấy sẽ thành công ở K-League.
- Ông hiểu thế nào về mối thù địch trong bóng đá giữa Việt Nam với Thái Lan, và chuẩn bị tinh thần như thế nào cho vòng loại U23 sắp tới - nơi chúng ta chung bảng với Thái Lan?
- Từ khi tôi đến đây, Việt Nam mới đụng Thái Lan ở cấp độ U23, tại giải giao hữu M150 cuối năm 2017. Tôi cũng đang suy nghĩ và mong muốn một ngày nào đó hai đội tuyển quốc gia sẽ gặp nhau. Vòng chung kết U23 châu Á 2020, chủ nhà là Thái Lan. Dù ở vòng loại sắp tới tại Hà Nội, họ không quan tâm tới kết quả nhưng sẽ tập luyện và chuẩn bị rất ráo riết. Hơi thiếu thời gian chuẩn bị nhưng ở cuộc đối đầu ngày 26/3 sắp tới, chúng tôi sẽ chơi đúng với phong cách của mình, bất kể đối thủ là ai. Chúng ta không sợ.
- Việt Nam cần cải thiện điểm nào để chuẩn bị cho vòng loại U23?
- Một số cầu thủ trụ cột đang chấn thương và cần khắc phục trong thời gian sớm nhất. Thứ hai là chúng ta hơi thiếu thời gian để tối đa hoá việc thích ứng chiến thuật với cầu thủ mới. Rõ ràng, nhiều cầu thủ đợt này rất mới. Họ cần thời gian để làm quen với sơ đồ chiến thuật của đội tuyển. Thời gian qua, các đội tuyển của Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhưng đều khắc phục được. Tôi khẳng định chúng tôi sẽ tiến lên bằng tinh thần Việt Nam, để bước vào cuộc chiến sắp tới.
- Gần đây, một số chính khách của Việt Nam, như Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể, khi chỉ đạo cấp dưới đã nói rằng phải làm việc với "tinh thần Park Hang-seo". Ông nghĩ gì về điều này?
- Đó không phải tinh thần Park Hang-seo. Đó là tinh thần Việt Nam. Tôi cần giải thích rõ cho mọi người hiểu. Năm ngoái, khi đang thi đấu ở Trung Quốc, tôi gặp một số lãnh đạo Việt Nam. Họ luôn đặt ra hai câu hỏi: một là, trong vòng ba tháng vì sao tôi thay đổi hoàn toàn được đội tuyển và hai là, phải chăng tinh thần Việt Nam bây giờ mới bùng nổ? Tôi suy nghĩ nhiều về điều này, và tự hỏi tinh thần Việt Nam là gì? Hôm đối đầu Jordan, tôi đã trao đổi với các cầu thủ. Tôi hỏi họ tinh thần Việt Nam là gì? Họ nói rất nhiều, nhưng tôi tóm lại bốn ý chính: một là Đoàn kết, hai là Tự trọng, ba là Thông minh, lanh lợi và bốn là Bất khuất, không bao giờ bỏ cuộc. Và tôi luôn nhấn mạnh bốn yếu tố này cho mọi cầu thủ từng làm việc với mình.
Bá Thắng