Các vận động viên khuyết tật sẽ thi đấu ở 19 môn. |
Đại hội năm nay bắt đầu bằng lễ khai mạc có tên gọi Sự Khai Sáng lúc 20h30 thứ tư (theo giờ London), do hai đạo diễn Jenny Sealey và Bradley Hemmings phối hợp dàn dựng. Đó hứa hẹn sẽ là "một buổi lễ ngoạn mục thể hiện tinh thần Paralympic - tinh thần thách thức nhận thức về khả năng của con người". Buổi lễ sẽ có sự tham dự của nhà vật lý huyền thoại Stephen Hawking (vốn là một người Anh, đã mất hết khả năng cử động nhưng vẫn có nhiều công trình nghiên cứu vĩ đại).
Lễ bế mạc diễn ra vào ngày 9/9, trong đó có một màn trình diễn của ban nhạc rock nổi tiếng Vương quốc Anh Coldplay. Nhiều môn thi đấu sẽ diễn ra ở Công viên Olympic tại Stratford. 16 trong số các sân của Olympic 2012 sẽ không được sử dụng vì không phù hợp nhưng sẽ có một số sân mới như Brands Hatch ở Kent cho môn đua xe...
Có 4.200 vận động viên đến từ 165 quốc gia, trong đó có 16 nước lần đầu tiên tham dự.
Các vận động viên được chia thành 6 nhóm thích hợp với bản thân: Khuyết tay hoặc chân, bại não, khuyết tật trí tuệ, xe lăn, khiếm thị và các loại còn lại (những vận động viên khuyết tật không rơi vào năm loại trên, bao gồm những người bệnh còi cọc, đa xơ cứng và dị tật bẩm sinh...). Sáu loại này lại được chia nhỏ hơn nữa và khác nhau tùy theo từng môn thể thao.
Những vận động viên khiếm thính trước đây cũng thi đấu ở Paralympic, nhưng bây giờ đã có một giải đấu riêng.
Có tất cả 19 nội dung thi đấu, từ bắn cung cho đến quần vợt trên xe lăn... Không ít trong số đó có thể là những môn ít khi nghe đến, ví dụ Boccia. Đây là một môn thi đấu tương tự bi sắt, dành cho các vận động viên bại não hoặc suy giảm nghiêm trọng về thể chất. Các vận động viên khi thi đấu đều ngồi trên xe lăn.
Goalball là môn bóng dành cho các vận động viên khiếm thị. Họ ghi điểm bằng cách lăn những trái bóng có tốc độ lên đến 95km/h vào khung thành đối phương. Trong môn này khán giả phải tuyệt đối im lặng để vận động viên nghe được tiếng chuông đặt bên trong trái bóng.
Trái ngược với quan niệm phổ biến, "Para" không phải bắt nguồn từ "Paraplegia" (liệt chi) mà xuất phát từ tiếng Hy Lạp - para có nghĩa là "bên cạnh" hoặc "cùng" bởi sự kiện này diễn ra gần với thời điểm diễn ra Olympic. Paralympic khởi nguồn từ các hoạt động thể thao trong Trung tâm điều trị chấn thương xương sống nước Anh, nằm trong bệnh viện Stoke Mandeville năm 1944. 4 năm sau những hoạt động này phát triển thành Đại hội thể thao Stoke Mandeville với sự tham dự của các cựu quân nhân Anh. Giải đấu từ đó được tổ chức thường niên. Rome (Italy) năm 1960 là lần đầu tiên một kỳ Paralympic được tổ chức ở cùng thành phố với Olympic. Lúc đó có 400 vận động viên đến từ 23 quốc gia tham dự. Nhưng phải đến năm 1988, tại Seoul, cụm từ Paralympic mới chính thức được sử dụng. |
Ở một số nội dung khác, như đua xe đạp, khi về đích đầu tiên không có nghĩa rằng bạn là người chiến thắng. Bởi, trong những cuộc đua như vậy sẽ bao gồm nhiều thành phần người khuyết tật, và thành tích của họ sẽ được tính toán dựa trên các công thức được quy định từ trước...
Năm nay là lần thứ ba Việt Nam tham dự Paralympic. Sau gần một tháng tập huấn ở Ireland (từ 20/7), đoàn đã đến thành phố Bradford để làm quen khí hậu và gia nhập làng Paralympic ở London. Hôm 26/8 lễ thượng cờ Việt Nam đã tổ chức trang trọng ở quảng trường làng Paralympic.
Đoàn thể thao khuyết tật Việt Nam lần này gồm 19 người, trong đó có 11 vận động viên thi đấu ở 3 môn là điền kinh, bơi lội và cử tạ.
Các vận động viên gồm: Cao Ngọc Hùng, Trịnh Công Luận, Nguyễn Thị Hải, Nguyễn Thị Hồng, Châu Hoàng Tuyết Lan, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Bình An, Võ Thanh Tùng, Nguyễn Thành Trung, Dương Thị Lan và Trịnh Thị Bích Như. Tất cả đều đạt chuẩn A, trong đó Võ Thanh Tùng đạt tới bốn chuẩn A, Nguyễn Thị Hải và Cao Ngọc Hùng đạt 2 chuẩn A.
Lần đầu tiên trong lịch sử tham dự Paralympic, các vận động viên Việt Nam được đi tập huấn tại nước ngoài trước thềm đại hội - với sự hỗ trợ về kinh phí của nước chủ nhà. Ngoài ra, nước Anh còn cử hai chuyên gia vật lý trị liệu Michael Hellawell và Kate Butterfield đi theo đoàn trong suốt những ngày tập huấn và thi đấu.
Doãn Mạnh