"Hầu hết nền kinh tế đồng ý với nội dung tuyên bố, trong khi một số ít có quan điểm thay thế hoặc bổ sung vào các đoạn 9, 16 và 17", AFP dẫn lời Thủ tướng Papua New Guinea Peter O'Neill hôm qua cho biết.
Các đoạn này đề cập tới cam kết "cải thiện vai trò của WTO bằng cách hợp tác nhằm nâng cao chức năng đàm phán, giám sát và giải quyết tranh chấp". Dự thảo còn bao gồm lời kêu gọi các nền kinh tế "thúc đẩy thương mại trong khu vực theo hướng tự do, công bằng và cởi mở", làm nền tảng cho việc giao dịch không phân biệt, đôi bên cùng có lợi và các khuôn khổ đầu tư.
Hội nghị APEC lần thứ 26 diễn ra hôm 17-18/11 là lần đầu tiên lãnh đạo 21 nền kinh tế không đạt được tuyên bố chung. Trong hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công kích chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ, nói rằng đó là "cách tiếp cận hạn hẹp" và "có khả năng thất bại".
Nguồn tin cho biết Washington đã kêu gọi các lãnh đạo lên án WTO và đề nghị cải cách toàn diện tổ chức này, trong khi Bắc Kinh có khả năng bị giảm bớt quyền lợi dưới bất cứ sự thay đổi nào.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo các quốc gia nhỏ không nên bị dụ dỗ bởi sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, chỉ trích dự án này là "vành đai siết chặt" và "con đường một chiều".
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có cuộc điện đàm hồi đầu tháng để làm "tan băng" mối quan hệ. Tuy nhiên, trong khi hai lãnh đạo bày tỏ lạc quan trước thềm cuộc gặp tại hội nghị G20 vào tuần tới ở Argentina, quan hệ Mỹ - Trung có dấu hiệu lạnh nhạt trở lại. Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen cảnh báo nếu không giải quyết vấn đề cải cách WTO và chủ nghĩa bảo hộ, hội nghị G20 có thể lâm vào bế tắc như APEC.
Ánh Ngọc