Trong 5 thập kỷ chính thức có mặt tại Việt Nam, triết lý "hoàn thiện con người trước khi tạo ra sản phẩm" luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động đào tạo nguồn nhân lực của Panasonic Việt Nam.
Với quy mô gần 7.000 người lao động làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, Panasonic Việt Nam luôn đặt sự phát triển của người lao động lên hàng đầu. Vì vậy, những 'người Panasonic' với xuất phát điểm khác nhau nhưng đều được tiếp cận cơ hội phát triển bản thân công bằng, bình đẳng, từ đó đóng góp vào sự phát triển của Panasonic nói riêng và xã hội nói chung.
Biến tiềm năng thành tài năng
Hơn 14 năm làm việc tại Công ty Panasonic Industrial Devices Việt Nam (PIDVN), chị Hoàng Thị Phương Thảo luôn bắt đầu ngày làm việc bằng cách lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm từ các thành viên trong nhóm sản xuất để học hỏi lẫn nhau.
Đi cùng những năm tháng gắn bó với Panasonic của chị Thảo là các khóa đào tạo được chị ví như dạy từ "học ăn, học nói, học gói, học mở" như kỹ năng mềm về thuyết trình, quản lý thời gian... cho đến đào tạo theo từng công đoạn sản xuất với khẩu hiệu "công đoạn sau là khách hàng của công đoạn trước". Chính hệ thống đào tạo bài bản ấy đã giúp chị Thảo dần phát triển từ một công nhân đứng trên dây chuyền sản xuất trở thành trưởng nhóm sản xuất tại PIDVN.
"Tại Panasonic, ai cũng có cơ hội và thách thức để phát triển bản thân mà không phân biệt giới tính và bằng cấp. Điều này giúp chúng tôi có động lực và tự tin hơn trong quá trình làm việc tại đây. Tôi trân trọng triết lý phát triển con người của Tập đoàn, điều đã giúp cho những người lao động như tôi có điều kiện đóng góp và gắn bó lâu dài", chị Thảo chia sẻ.
Chị Vũ Thị Nhung, Phó nhóm giám sát, Bộ phận sản xuất PIDVN cũng bắt đầu hành trình tại Panasonic từ một công nhân bình thường. Khác với tính cách nhút nhát vốn có, giờ đây, chị Nhung đã trở nên tự tin và trưởng thành hơn nhờ sự hỗ trợ từ quản lý và đồng nghiệp. Chị luôn tâm niệm: "Không quan trọng bạn là ai, xuất phát điểm của bạn như thế nào, quan trọng là sự nỗ lực, cố gắng của bản thân cho sự phát triển của công ty."
Thử thách trong môi trường quốc tế
Sau nhiều năm trau dồi kiến thức tại trời Tây, anh Đỗ Ngọc Kiên chọn gia nhập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Panasonic Việt Nam (PRDCV) với mong muốn học hỏi sự chuyên nghiệp và trình độ chuyên môn của người Nhật để phát triển bản thân, đóng góp vào sự phát triển của nền R&D nước nhà.
"Khi còn là kỹ sư nghiên cứu, tôi đã học hỏi được nhiều kiến thức từ các đồng nghiệp Nhật. Ngày nay, khi đã ở cấp quản lý, tôi đã và đang truyền lại kinh nghiệm quý báu ấy cho thế hệ kỹ sư trẻ tiếp theo. Tại Panasonic, chúng tôi có cơ hội hoàn thiện bản thân để trở thành kỹ sư hàng đầu thế giới và tạo ra các sản phẩm tốt nhất cho xã hội", anh Kiên chia sẻ về chặng đường làm việc gần một thập kỷ.
Nhờ được trao cơ hội hợp tác với các nhóm chuyên gia đến từ các trung tâm R&D trong nước và quốc tế, anh Kiên đã vận dụng những kiến thức đã học để đi đến tận cùng các cuộc thảo luận nhằm tìm ra vấn đề và giải pháp tương ứng. Từ việc thử nghiệm công nghệ mới để đưa vào các sản phẩm chiến lược, nhóm kỹ sư do anh dẫn dắt đã đón nhận các thử thách lớn hơn khi tham gia phát triển các sản phẩm thương mại có yêu cầu kỹ thuật cao như hệ điều hành, phần mềm nhúng, an toàn bảo mật, vạn vật kết nối... Nhiều sản phẩm do nhóm anh phát triển không chỉ có mặt ở Việt Nam mà còn xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới.
Trao quyền để trưởng thành
Anh Nguyễn Thiện Nhân là người đặt những viên gạch đầu tiên cho mảng tự động hóa của Panasonic tại Việt Nam. Thời điểm ấy, anh được cấp trên và quản lý vùng trao cơ hội tự quyết định phương hướng và chiến lược phát triển tại Việt Nam, đồng thời phụ trách toàn bộ công việc từ quản trị, giao hàng, bán hàng cho tới hỗ trợ kỹ thuật.
Nhìn lại quá khứ, anh tự hào vì những thử thách năm xưa đã tôi luyện trong anh bản lĩnh và chuyên môn vững vàng như ngày hôm nay. Hiện tại, anh đang giữ vị trí Trưởng Ngành hàng Tự động và Điều khiển, Panasonic Việt Nam.
Sau 10 năm xây dựng mảng tự động hóa, anh chia sẻ: "Con người là tài sản quan trọng nhất của một tổ chức. Một công ty 'khỏe' phải đến từ một tập thể mạnh. Một tập thể mạnh và có khát khao sẽ giúp công ty đạt được những thành tựu vượt bậc với chi phí thấp nhất. Do đó, tôi luôn dành nhiều thời gian và nguồn lực để xây dựng, đào tạo và phát triển nhân viên để phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của từng người. Đồng thời, việc lắng nghe và trao quyền cho nhân viên được thực hiện tối đa để phát huy năng lực của họ"
Đây cũng chính là giá trị cốt lõi trong triết lý "hoàn thiện con người, trước khi tạo ra sản phẩm" của nhà sáng lập Panasonic.
Với mỗi mảng kinh doanh nói riêng và từng công ty thuộc nhóm các công ty Panasonic tại Việt Nam nói chung, triết lý phát triển con người được thể hiện theo nhiều hình thức khác nhau. "Song tất cả đều đồng quy tại yếu tố trung tâm là con người, không ngừng đào tạo và xây dựng môi trường tốt nhất cho người lao động, vì người lao động", một nhân viên của Panasonic chia sẻ.
Phong Vân