"Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về chúng tôi", Tổng thống Jose Raul Mulino nói trong video đăng trên mạng xã hội X ngày 22/12.
Ông Mulino khẳng định kênh đào Panama không chịu kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp từ Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ hay bất kỳ bên nào. "Là người Panama, tôi phản đối bất kỳ điều gì bóp méo thực tế này", ông Mulino nói, cho biết ông vẫn hy vọng có "quan hệ tốt đẹp và tôn trọng" với chính quyền mới ở Mỹ.
Bình luận mới của Tổng thống Panama được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump phàn nàn về kênh đào Panama trên nền tảng Truth Social.
"Hải quân và các tàu thương mại của Mỹ đã bị đối xử bất công. Các khoản phí mà Panama đang áp dụng thật vô lý", ông nói.
Ông Trump cũng đề cập tới ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với khu vực kênh đào Panama, cho rằng đây là xu hướng đáng lo ngại đối với lợi ích của Mỹ vì các doanh nghiệp trong nước phụ thuộc rất nhiều tuyến đường này để vận chuyển hàng hóa giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Ông tuyên bố nếu Panama không thể đảm bảo "hoạt động an toàn, hiệu quả và đáng tin cậy" của kênh đào, Mỹ sẽ yêu cầu nước này "trả lại kênh đào Panama cho chúng tôi hoàn toàn và không cần thắc mắc".
Mỹ là bên xây dựng chủ yếu của kênh đào Panama và quản lý lãnh thổ xung quanh kênh đào này suốt nhiều thập kỷ. Chính phủ Mỹ bàn giao toàn bộ quyền quản lý kênh đào cho Panama năm 1999, sau thời gian hai bên đồng quản lý.
Kênh đào Panama, dài 82 km, là tuyến đường nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, giúp rút ngắn đáng kể hành trình giữa hai khu vực và cho phép tàu thuyền không phải vòng qua tuyến đường dài, nguy hiểm quanh cực nam Nam Mỹ. Kênh đào Panama tiếp nhận 14.000 tàu thuyền qua lại mỗi năm, chiếm 2,5% thương mại đường biển toàn cầu.
Thùy Lâm (Theo AFP, Reuters)