
Jerusalem là nơi có nhiều khu vực linh thiêng của Do Thái giáo, Hồi giáo và Cơ Đốc giáo. Ảnh: AFP.
"Quyết định của chính phủ Australia công nhận tây Jerusalem là thủ đô của Israel là quan điểm chính trị thiển cận, vô trách nhiệm và đi ngược lại hòa bình và an ninh thế giới", AFP hôm nay dẫn tuyên bố của Tổng thư ký của Tổ chức Giải phóng Palestine Saeb Erekat.
Ông Erekat khẳng định địa vị pháp lý cuối cùng của toàn bộ khu vực Jerusalem vẫn là vấn đề đang được đàm phán, trong khi đông Jerusalem, theo luật quốc tế, là "một phần không thể tách rời của vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng".
Quan chức Palestine khẳng định quyết định của Australia về việc mở một văn phòng thương mại tại tây Jerusalem vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Trước đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố công nhận tây Jerusalem là thủ đô của Israel. Với tuyên bố này, Australia trở thành một trong số ít quốc gia công nhận tây Jerusalem là thủ đô của Israel, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra quyết định này hồi tháng 12/2017. Tuy nhiên, Morrison cũng cam kết sẽ công nhận nhà nước Palestine trong tương lai với thủ đô ở đông Jerusalem.
Quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel của Trump hồi tháng 12/2017 đã châm ngòi cho làn sóng phẫn nộ của người Palestine. Họ cho rằng với động thái này, Mỹ sẽ không thể đóng vai trò là bên trung gian thành thật trong bất cứ tiến trình hoà bình nào với Israel.
Người Palestine coi đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước họ muốn thành lập trong tương lai ở vùng Bờ Tây và dải Gaza. Trong khi đó, Israel coi toàn thành phố, bao gồm vùng phía đông nước này chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông 1967, là "thủ đô vĩnh viễn và không thể chia cắt", động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận.