Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/12 tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv về thành phố này.
"Jerusalem là và sẽ luôn là thủ đô của Palestine", Reuters dẫn lời Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas phát biểu trước các lãnh đạo Hồi giáo trong cuộc họp khẩn tổ chức hôm nay ở Thổ Nhĩ Kỳ. Gần như toàn bộ dân số Palestine là người Hồi giáo dòng Sunni.
Ông Abbas mô tả quyết định của Mỹ là "tội ác lớn nhất" và vi phạm luật pháp quốc tế. Mỹ hành động như thể "Jerusalem là một thành phố của họ". Với việc coi Jerusalem là thủ đô Israel, Washington không còn có vai trò gì trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Trung Đông.
Cuộc họp hôm nay do Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan chủ trì. Ông từng chỉ trích mạnh mẽ Mỹ về lập trường của Washington với Jerusalem.
"Tôi mời mọi quốc gia đang ủng hộ luật pháp quốc tế công nhận Jerusalem là thủ đô bị chiếm đóng của Palestine. Chúng ta không thể chậm trễ thêm nữa", ông Erdogan nói với lãnh đạo và bộ trưởng đến từ hơn 50 quốc gia Hồi giáo.
Ông Erdogan mô tả quyết định của Trump là "phần thưởng" cho những hành động của Israel gồm chiếm đóng, xây dựng khu định cư, chiếm đất.
Jerusalem là thánh địa đối với người Do Thái, người Hồi giáo và Cơ Đốc giáo. Trạng thái của Jerusalem là một trong những vật cản lớn nhất đối với tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Israel chiếm Đông Jerusalem năm 1967, coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không bị chia cắt. Phía Palestine cho rằng Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai.
Trước cuộc họp, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói các nước Hồi giáo nên kêu gọi cộng đồng thế giới coi Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine với ranh giới trước năm 1967.
Trong khi đó, chính quyền Trump nói họ vẫn giữ cam kết vì hòa bình giữa Israel và Palestine. Quyết định của Mỹ không ảnh hưởng đến trạng thái hay ranh giới tương lai của Jerusalem. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hoan nghênh quyết định từ Mỹ, nói Washington có vai trò không thể thay thế tại khu vực.
Như Tâm