Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mitsuyo Kakuta, Pale Moon, do đạo diễn Daihachi Yoshida thực hiện, là bộ phim duy nhất của Nhật Bản góp mặt trong danh sách các tác phẩm tranh giải của LHP Tokyo lần thứ 27. Trong buổi công chiếu hôm 25/10, Pale Moon gây ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả cũng như những phóng viên quốc tế đang có mặt ở thủ đô nước Nhật để tham dự sự kiện này.
Lấy bối cảnh năm 1994, Pale Moon là câu chuyện về Rika - một phụ nữ truyền thống vốn chỉ quen ở nhà làm nội trợ và chăm sóc chồng. Tình cờ biết được một ngân hàng đang tuyển dụng nhân viên marketing, Rika quyết định bắt đầu đi làm bán thời gian chứ không chỉ ở nhà làm nữ công gia chánh. Nhờ tài ăn nói và thuyết phục mà Rika kiếm được về cho ngân hàng nhiều hợp đồng lớn, trị giá hàng triệu yên từ các khách hàng “sộp”. Khi Rika được nhận vào làm chính thức, cô bắt đầu cuộc sống của một phụ nữ công sở hiện đại.
Từ khi có những mối quan hệ mới trong công việc, mọi thứ xung quanh Rika dường như thay đổi. Cô bắt đầu sử dụng đồng tiền vào nhiều mục đích cá nhân hơn, có thêm nhiều khao khát, tham vọng. Đến một ngày, Rika ngã vào vòng tay của một cậu sinh viên trẻ trung. Mối tình vụng trộm này là khởi đầu cho nhiều bi kịch xảy đến với một người phụ nữ truyền thống đang phải thích nghi với sự thay đổi của xã hội đương thời…
Dù mốc thời gian trong phim là thập niên 1990, câu chuyện của Pale Moon vẫn mang hơi thở rất hiện đại. Trong giai đoạn chuyển giao ấy, Rika là một nhân vật điển hình đại diện cho rất nhiều phụ nữ Nhật Bản nói riêng. Từ vai trò chỉ làm nội trợ ở nhà, những người phụ nữ ấy bắt đầu đi làm, kiếm được những đồng tiền riêng của mình chứ không phụ thuộc vào chồng. Điều đó dẫn tới những đòi hỏi, tham vọng dồn nén của cả một thời kỳ cũ bùng nổ ra, những giá trị truyền thống bị phá vỡ và thay vào đó là những dục vọng tầm thường, ma lực của đồng tiền.
Đạo diễn Daihachi Yoshida và ê-kíp đã đưa lên màn ảnh rộng một nhân vật nữ rất mạnh mẽ. Vẻ bề ngoài của Rika khá dịu dàng, yếu đuối nhưng bên trong con người cô lại là một ngọn đuốc đang thực sự bùng cháy. Khi mà ở xã hội Nhật Bản thời bấy giờ con người chỉ biết vùi đầu vào công việc, các cặp vợ chồng hiếm khi trở về nhà cùng một lúc, có một bữa ăn ngon miệng, một giấc ngủ sâu thì Rika đã có những khát khao lớn hơn thế. Cô muốn sự thăng tiến trong công việc, thỏa mãn những đam mê thể xác với người tình trẻ trong khách sạn 5 sao, được tới những nơi mình mơ ước và có một chiếc xe BMW.
Vì tình, Rika sẵn sàng dâng hiến tất cả để có thể làm thỏa mãn, chiều chuộng người tình trẻ. Vì tiền, cô có thể vận dụng hết mọi mưu mô, thủ đoạn đến mức mù quáng. Càng lao đầu vào những dục vọng của bản thân, Rika lại càng lún sâu vào con đường tội lỗi và khó có thể dừng lại được. Giữa một xã hội mà mọi giá trị đều đảo lộn, việc một người phụ nữ truyền thống điển hình có thể làm là “bỏ chạy” khỏi thực tại để bước vào một giấc mơ phù phiếm.
Cảnh quay ấn tượng nhất trong phim có lẽ là khi Rika nhớ lại khoảnh khắc ngày đi làm đầu tiên, khi cô trở về nhà. Đứng giữa ga tàu cô đơn, lạnh lẽo lúc rạng sáng, cô nhìn lên bầu trời và thấy vầng trăng đêm sắp tàn. Tên phim – Pale Moon (tạm dịch: Vầng trăng nhợt nhạt) – thể hiện rất rõ tinh thần của tác phẩm. Đôi khi mọi thứ xung quanh ta chỉ là giả tạo dù ta thấy nó rất đẹp. Cuộc sống nhiều khi tưởng như hoàn hảo nhưng sâu trong đó là những bi kịch. Rika đã có một cuộc sống hạnh phúc bên người chồng hiền hậu trong ngôi nhà nhỏ. Nhưng điều đó có lẽ là không đủ với một người phụ nữ mạnh mẽ như cô. Bản năng đã mách bảo Rika làm mọi thứ theo trái tim mình để rồi nhận lại những nỗi ê chề.
Nữ diễn viên nổi tiếng của xứ Phù Tang – Rie Miyazawa – đã hóa thân xuất sắc vào vai Rika. Sở hữu gương mặt đậm “chất” Nhật, lối diễn xuất của Rie cũng rất tinh tế ở từng ánh mắt, cử chỉ hay thậm chí là dáng đi. Vai diễn này dường như đã được đạo diễn Daihachi Yoshida “đo ni đóng giầy” cho cô. Bản thân Rie Miyazawa cũng rất hài lòng với những gì mình thể hiện trên màn ảnh rộng.
Âm nhạc cũng là điểm nhấn của Pale Moon khi đạo diễn Daihachi Yomashida đã sử dụng rất đối lập với phần hình ảnh. Trong bối cảnh 1994 nhưng ở nhiều trường đoạn, âm nhạc mang hơi hướng hiện đại và thời thượng. Người xem cũng sẽ cảm thấy rất thích thú khi được nghe lại nhiều bản nhạc cũ, trong đó có ca khúc kinh điển của nhóm The Velvet Underground phát hành từ năm 1966 là Femme Fatale.
Khai thác một đề tài xã hội dưới góc nhìn thực tế và trần trụi, bộ phim gây ấn tượng mạnh mẽ về hình tượng người phụ nữ Nhật Bản và để lại nhiều ám ảnh, day dứt. Pale Moon trở thành một ứng viên sáng giá tại LHP Tokyo cho danh hiệu “Tokyo Sakura Grand Prix” năm nay.
* Trailer phim "Pale Moon" |
* Bài hát nhạc phim: "Femme Fatale" - The Velvet Underground & Nico |
Nguyên Minh