Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif hôm nay phát biểu tại Lahore, cảnh báo Pakistan đang đối mặt cuộc khủng hoảng chưa từng có về y tế, an ninh lương thực và làn sóng di cư trong nước sau thảm họa mưa bão bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài suốt nhiều tháng qua, khiến hơn 1/3 đất nước chìm trong lũ lụt.
Các nhà khoa học xác định trận lũ là hậu quả của mất cân bằng khí hậu. Ông Sharif cho rằng trong bối cảnh Pakistan chỉ chiếm 0,8% lượng phát thải carbon toàn cầu, thì "những nước phát triển, những quốc gia phát thải nhiều, cần chịu trách nhiệm và hỗ trợ chúng tôi".
"Tôi xin nói rõ, đây là vấn đề công bằng khí hậu. Chúng tôi không đổ lỗi cho bất kỳ ai, cũng không cáo buộc ai, chúng tôi chỉ đang nói điều này không phải do chúng tôi gây ra, chúng tôi chỉ là nạn nhân", Thủ tướng Pakistan nói, nhấn mạnh các nước cần chủ động hỗ trợ, Pakistan không thể rơi vào tình thế phải "cầm bát ăn xin" những nước phát thải lớn.
"Đời này tôi chưa từng chứng kiến sự tàn phá, ngập lụt và đau đớn như thế này đối với người dân đất nước", ông nói. "Hàng triệu người mất nhà cửa, trở thành người tị nạn khí hậu tại chính quê hương mình".
Trong khi cộng đồng quốc tế cung cấp hàng tỷ USD viện trợ, đóng góp và cam kết hỗ trợ sau này, ông Sharif cho rằng những khoản đó "không đủ".
"Thiệt hại to lớn từ thảm họa khí hậu này nằm ngoài năng lực tài chính của chúng tôi", ông bày tỏ. "Khoảng cách giữa nhu cầu của chúng tôi và những thứ đang có là quá rộng, và đang ngày càng mở rộng".
Pakistan ghi nhận 1.600 người thiệt mạng vì trận lũ, nhưng nhiều người ước tính con số thực tế cao hơn. Hơn 9 triệu người phải di dời và hơn hai triệu ngôi nhà bị phá hủy, hàng triệu gia đình buộc phải sống trong những căn lều tạm bợ hoặc trú ẩn ven đường.
Thiệt hại sơ bộ ước tính 30-35 tỷ USD nhưng ông Sharrif cho rằng có thể nhiều hơn, với hơn 30.000 km cầu đường, đường sắt và đường dây điện bị phá hủy, hơn 4 triệu ha hoa màu bị cuốn trôi.
Mưa đã ngừng rơi, nhưng nhiều khu vực ở Pakistan, đặc biệt là Sindh, vẫn ngập lụt. Cuộc khủng hoảng nhân đạo càng nghiêm trọng hơn khi nước tù đọng khiến bệnh sốt rét, sốt xuất huyết hoành hành, trẻ em đổ bệnh còn bệnh viện quá tải.
Trước khi lũ lụt xảy ra, Pakistan đã đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế, khi lạm phát tăng vọt, nợ nước ngoài tăng, dự trữ ngoại tệ giảm mạnh. Chính phủ của ông Sharif, người lên nắm quyền hồi tháng 4 sau khi thủ tướng Imran Khan bị bãi nhiệm trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, đã làm việc với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để vay tiền ổn định kinh tế đất nước, nhưng phải chấp nhận các điều khoản khắt khe.
Ông Sharif khẳng định Pakistan sẽ không vỡ nợ dù đối mặt khoản nợ nước ngoài hàng tỷ USD sắp đáo hạn và chịu thiệt hại hàng tỷ USD trong thảm họa lũ lụt. Ông cho rằng đất nước tránh được vỡ nợ nhờ thỏa thuận với IMF và có thể thanh toán khoản nợ nước ngoài 22 tỷ USD vào năm sau.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)