CNN hôm 8/8 dẫn thông tin từ cảnh sát Pakistan cho biết Noor Mukadam, 27 tuổi, đã qua đời hôm 20/7 sau khi bị người quen là Zahir Jaffer, 30 tuổi, tra tấn và sát hại. Jaffer bị bắt tại nơi được cho là xảy ra vụ sát hại và bị buộc tội giết người có mưu tính trước.
Cái chết của Mukadam có thể sẽ bị lãng quên ở Pakistan nếu cha cô không phải cựu đại sứ Shaukat Mukadam, từng công tác tại Ireland và Hàn Quốc. Sự giàu có của gia đình hung thủ Jaffer và địa điểm xảy ra vụ án mạng là một khu nhà xa xỉ cũng khiến dư luận Pakistan càng thêm chú ý.
Trước ngày con gái Noor gặp nạn, vợ chồng cựu đại sứ Shaukhat đã cùng nhau mua sắm và chuẩn bị một số công việc trước kỳ nghỉ lễ Hồi giáo Eid. Khi họ quay lại nhà vào khoảng xế chiều, họ thấy con gái vẫn chưa về.
Vợ chồng nhà ngoại giao Shaukhat cố liên lạc cho con gái nhưng không được, nên đã tìm tới bạn bè của cô. Đêm cùng ngày, Noor gọi cho bố mẹ thông báo sẽ cùng bạn đi tới Lahore và dặn hai người không nên lo lắng.
Chiều ngày 20/7, vợ chồng ông Shaukhat nhận được cuộc gọi bất ngờ từ Jaffer, nói rằng hắn không đi cùng Noor. Vài giờ sau, cảnh sát gọi điện cho cựu đại sứ báo tin con gái ông đã bị sát hại và ông được đưa đến dinh thự của gia đình Jaffer để nhận dạng thi thể con.
Cảnh sát hiện chưa đưa ra bất cứ suy đoán nào về động cơ vụ giết người. Theo báo cáo từ cơ quan này, gia đình nạn nhân và hung thủ trước đó đã quen biết nhau.
Ngoài cáo buộc giết người mà con trai phải đối mặt, cha mẹ của Jaffer là Asmat Adamjee Jaffer và Zakir Jaffer, lãnh đạo loạt công ty kinh doanh và quản lý dự án lâu đời nhất Pakistan, cũng bị bắt vì bao che và tiếp tay cho hung thủ.
Sau khi Noor qua đời, người dân Pakistan đã cùng nhau thúc đẩy từ khóa "Công lý cho Noor" trên Twitter và mở một tài khoản GoFundMe gây quỹ được 50.000 USD chi phí pháp lý cho gia đình cô trước khi dừng nhận tiền theo đề nghị của gia đình. Dù cha là cựu đại sứ, gia đình cô có thể đối mặt với cuộc chiến pháp lý kéo dài.
Cựu đại sứ Shaukat cho biết gia đình ông bây giờ chỉ muốn tìm lại công lý. "Đó không chỉ là vụ sát hại con gái tôi. Chúng ta phải đòi lại công lý vì nó sẽ tác động đến tất cả con gái của người dân Pakistan", ông Shaukat nói.
Theo số liệu từ Bộ Nhân quyền Pakistan, khoảng 28% phụ nữ trong độ tuổi 15-49 ở nước này từng bị bạo hành thể xác từ năm 15 tuổi. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về bạo lực gia đình ở Pakistan từ năm 2008 đến năm 2018, bạo lực thường xảy ra trong các gia đình ở nước này, song không được báo cáo vì được coi như điều hiển nhiên trong xã hội gia trưởng.
Ngọc Ánh (Theo CNN)