Những người này bị bắt với cáo buộc "vi phạm pháp luật và có hành vi sai trái" trong các cuộc biểu tình nổ ra ở tỉnh Punjab, giới chức Pakistan hôm nay cho biết, thêm rằng 130 cảnh sát và quan chức đã bị thương trong các cuộc đụng độ với người biểu tình.
Giới chức cũng nói rằng người biểu tình đốt 25 xe cảnh sát. Quân đội Pakistan đã triển khai lực lượng ứng phó biểu tình theo yêu cầu của chính quyền Punjab.
Cựu thủ tướng Pakistan Imran Khan hôm 9/5 bị lực lượng bán quân sự thi hành lệnh bắt với cáo buộc tham nhũng khi ra trình diện tại tòa án ở thủ đô Islamabad. Hàng nghìn người ủng hộ ông sau đó tổ chức biểu tình tại thủ đô Islamabad và loạt địa phương, trong đó có Punjab, để phản đối.
Người biểu tình chặn các tuyến đường huyết mạch, đốt lốp xe và xe hơi, khiến giao thông tê liệt. Cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay và vòi rồng đối phó với đám đông quá khích.
Truyền thông địa phương nói rằng hai người đã chết trong các cuộc đụng độ. Shah Mehmood Qureshi, phó chủ tịch đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) của ông Khan, kêu gọi người ủng hộ tiếp tục biểu tình một cách "hợp pháp và hòa bình", đồng thời cho biết các luật sư của đảng sẽ nộp đơn kháng cáo và kiến nghị chống lại việc bắt giam ông Khan.
Một số hãng truyền thông địa phương dẫn nguồn giấu tên cho biết công tố viên yêu cầu tạm giam ông Khan trong 14 ngày. Cựu thủ tướng được phép tham vấn ý kiến luật sư trong các phiên xét xử.
Ông Khan bị lật đổ trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của quốc hội tháng 4/2022. Kể từ đó, ông dẫn đầu chiến dịch chống chính phủ hiện tại, cáo buộc chính phủ thông đồng với quân đội để phế truất ông. Khan cũng cáo buộc chính quyền Pakistan tìm cách bắt giam để gạt ông khỏi cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 10.
Cảnh sát Pakistan hồi tháng 3 đến dinh thự của cựu thủ tướng Khan ở Lahore để thực thi lệnh bắt vì ông không ra hầu tòa với cáo buộc tham nhũng, nhưng phải rút lui sau khi vấp phải kháng cự từ những người trung thành với ông.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)