Trong Pacific Rim 2, Guillermo del Toro - đạo diễn phần đầu - chỉ làm nhà sản xuất, còn ghế đạo diễn được trao cho Steven S. DeKnight. Phim lấy bối cảnh 10 năm sau phần một, khi con người đã ngăn được các quái vật Kaiju đến từ chiều không gian khác. Tuy nhiên, chính phủ vẫn phát triển chương trình Jaeger - các robot khổng lồ cần hai người kết hợp tâm trí để vận hành.
Jake Pentecost (John Boyega) - một người điều khiển robot tài ba - được chị gái nuôi Mako (Rinko Kikuchi) thuyết phục quay lại chương trình. Anh và Nate Lambert (Scott Eastwood) bắt đầu huấn luyện các tân binh. Lúc này, một tập đoàn Trung Quốc đề xuất loạt robot có thể điều khiển từ xa, đe dọa sự tồn tại của chương trình Jaeger. Nhiều biến cố diễn ra khiến các Kaiju tái xuất đe dọa thế giới, buộc nhóm của Jake tham chiến.
* Trailer phim
Với ngân sách 150 triệu USD, Pacific Rim 2 nổi bật ở khâu kỹ xảo. Tất cả trận chiến giữa robot và quái vật đều được dựng bằng công nghệ máy tính. So với loạt Transformers nổi tiếng, các robot trong Pacific Rim 2 tạo cảm giác bề thế hơn. Khi trận chiến diễn ra trong thành phố, các người máy và quái vật được lồng ghép tốt vào bối cảnh thực, khiến người xem cảm nhận được sự khổng lồ của chúng lúc đứng cạnh khu nhà cao tầng. Những vũ khí hiện đại của robot như pháo plasma, súng, tên lửa đối chọi với sức mạnh hoang sơ của quái vật tạo nhiều trích đoạn đẹp mắt.
So với phần một, các cảnh hành động diễn ra vào ban ngày thay vì ban đêm. Thay đổi này làm đánh mất phong cách u ám có chủ đích của Del Toro, nhưng khiến khán giả dễ quan sát các chi tiết hơn. Nhiều pha va đập giữa robot, quái vật với các tòa nhà được phô diễn dưới lối quay chậm, nhấn mạnh vào tính tàn phá của cảnh hành động.
Hầu hết thời lượng chiến đấu dồn vào cao trào cuối phim, còn trước đó kịch bản dành nhiều thời gian để cài cắm các tình tiết "dọn đường" cho sự trở lại của quái vật. Ở điểm này, tác phẩm tránh được sai lầm của Independence Day: Resurgence - một phần tiếp theo bị chê bai - là giới thiệu sự trở lại của kẻ xấu ngoài hành tinh quá đường đột. Tuy nhiên, vài cảnh thừa giới thiệu các nhân vật không quan trọng khiến phim hơi dài dòng.
Hồi năm 2013, Pacific Rim thu 111 triệu USD ở Trung Quốc, cao hơn cả ở Mỹ (101 triệu USD). Năm 2016, hãng phim Legendary Pictures - đơn vị thực hiện dự án - được tập đoàn Trung Quốc Wanda mua lại. Hai điều này dẫn đến sự chuyển hướng trong phần hai để tập trung vào thị trường châu Á.
Căn cứ Jaeger trong phim do Trung Quốc điều hành, một tập đoàn Trung Quốc nắm giữ công nghệ hiện đại và giữ vai trò quan trọng trong câu chuyện, còn trận chiến cuối cùng diễn ra ở Nhật. Nhiều nhân vật châu Á xuất hiện trong câu chuyện, trong đó vai của Cảnh Điềm - người đứng đầu tập đoàn công nghệ - hiện diện xuyên suốt, đặc biệt trong nửa sau.
Diễn xuất nhìn chung là điểm yếu của Pacific Rim 2. Gây ấn tượng chỉ có John Boyega trong vai chính - chàng phi công tài ba nhưng bất cần, khó chịu khi phải sống dưới bóng của cha mình (một đại tướng hy sinh trong cuộc chiến lần trước). Dù bộc lộ được khía cạnh nổi loạn của nhân vật, tài tử trẻ người Anh vẫn còn nông ở chiều sâu nội tâm.
Cailee Spaeny có phần thiếu cá tính để hóa thân Amara - cô gái trẻ láu lỉnh đồng hành cùng nhân vật chính. Sau màn mở đầu khá tốt, nhân vật này mờ nhạt dần và không thể thu hút trở lại, dù biên kịch sắp xếp cho cô nổi lên ở cuối phim. Còn sao Hoa ngữ Cảnh Điềm có nhan sắc nhưng vốn không được đánh giá cao về diễn xuất. Nhân vật của cô lúc nói tiếng Hoa, lúc nói tiếng Anh gây khó hiểu cho người xem.
Hai diễn viên Burn Gorman và Charlie Day thủ vai các nhà khoa học kỳ quặc, phát huy lối diễn hài quen thuộc. Tuy nhiên, đạo diễn lạm dụng, đưa vào khá nhiều cảnh của họ nên thành quá lố. Kém thuyết phục nhất là Scott Eastwood với biểu cảm cứng đờ. Nhân vật của anh được xây dựng như một phi công đứng đắn, vừa là bạn vừa cạnh tranh với nhân vật chính, nhưng mỗi lần đứng cùng nhau, Eastwood hầu như bị John Boyega lấn át.
Phim khởi chiếu ở Việt Nam từ ngày 23/3 với nhan đề Pacific Rim: Trỗi dậy.
Ân Nguyễn