Thông tin trên được bà Susana Ruiz, chuyên gia về thuế của Oxfam đưa ra mới đây khi đề cập về các vấn đề bất bình đẳng thuế hiện nay. Theo bà Susana, mỗi năm các quốc giao nghèo (trong đó có Việt Nam) thất thoát 170 tỷ USD tiền thuế mỗi năm do một nửa giá trị thương mại phải "ở lại" những thiên đường thuế vì ý đồ tránh, trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia.
Tương tự với trường hợp Việt Nam, theo bà, một nửa nguồn FDI thu hút về cũng ở lại các thiên đường thuế, đặc biệt khi theo số liệu của Oxfam cho thấy, 60% giá trị thương mại toàn cầu là diễn ra giữa các công ty trong cùng một tập đoàn. Số liệu của tổ chức phi chính phủ này cũng chỉ ra rằng, châu Á là khu vực có dòng chảy tài chính phi pháp cao nhất thế giới. Trong đó, 65% do sự lạm dụng các hành vi trốn, né thuế của các doanh nghiệp, 30% là hành vi tội phạm, 5% do tham nhũng gây nên.
"Nước nào cũng ra sức thu hút đầu tư nhưng thật sai lầm khi chỉ tập trung làm thế nào để tăng lợi nhuận mà để mất đi khoản tiền lớn cho các hoạt động phi pháp ở thiên đường thuế", bà Susana nói. Theo bà, tiền tại các thiên đường thuế ước tính khoảng 2.000-3.000 tỷ USD, bằng với GDP của Mỹ và Trung Quốc cộng lại.
Hệ thống thuế quốc tế, theo Oxfam, hiện rất bất công và cần phải thay đổi do sự có mặt của các thiên đường thuế, điều này tạo nên sự bất bình đẳng lớn trong xã hội. Oxfam đã cùng hơn 300 nhà kinh tế toàn cầu ký vào bức thư kêu gọi chấm dứt sự tồn tại của những thiên đường thuế hiện nay. Theo số liệu của tổ chức này, cứ 10 phút lại có một công ty offshore được lập ở Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama - một trong những thiên đường thuế.
Bình luận về hồ sơ Panama, theo bà Susana, việc lập một công ty offshore không phải phạm pháp. "Tuy nhiên, sẽ là phi pháp khi bạn không công khai sự tồn tại của nó với cơ quan thuế", bà nói.
Nhờ những chiêu trò như chuyển giá, cho vay giữa các công ty ở nhiều nước khác nhau trong cùng một tập đoàn đa quốc gia hay mượn cớ vào tài sản vô hình như quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu, bằng sáng chế... mà các tập đoàn này chỉ phải trích 5% lợi nhuận để nộp thuế thu nhập doanh nghiệp mà thông thường nghĩa vụ phải lên tới 20-25%.
Bà Susana lấy một ví dụ đơn giản về chuyển giá với hành trình từ sản xuất đến tay người tiêu dùng của một chiếc điện thoại làm ở Việt Nam nhưng bán sang Tây Ban Nha. Chiếc điện thoại này ở Việt Nam được công ty đa quốc gia hạch toán 1 USD và thay vì được chuyển thẳng sang Tây Ban Nha để lên kệ, trên giấy tờ nó sẽ được chuyển sang một thiên đường thuế và tại đất nước có thiên đường thuế này, giá chiếc điện thoại được đẩy lên 100 USD. Khi tới Tây Ban Nha, chiếc điện thoại được ghi nhận giá 101 USD và đến tay người tiêu dùng. Như vậy, cả Chính phủ Việt Nam và Tây Ban Nha sẽ chỉ thu được thuế với 1 USD trong khi số lợi nhuận 99 USD tại thiên đường thuế kia, công ty đa quốc gia không phải nộp thuế.