Khoảng 33% trong số 1.000 tài xế tham gia cuộc khảo sát mới đây của Carrentals.com, hãng cho thuê ôtô tại Mỹ, thừa nhận chỉ làm sạch nội thất xe mỗi năm một lần. Thậm chí đến 12% cho biết không bao giờ làm việc đó.
Những tài xế này dường như "không bao giờ nghĩ đến việc có bao nhiêu thứ mầm bệnh đang tồn tại trong chiếc xe của họ - hoặc những loại vi khuẩn này từ đâu đến". Trong khi đó, trung bình khoảng 700 loại vi khuẩn sống trong một chiếc ôtô, có thể khiến thức ăn trên xe cũng như hệ thống miễn dịch của ai đó gặp nguy hiểm, báo cáo cho biết.
Những người hay ăn uống trên xe - hay 20% số người trả lời cho biết họ làm việc này ít nhất mỗi tuần một lần - đang mời gọi vi khuẩn vào sống trên những mẩu thức ăn rơi vãi. Và vi khuẩn dễ dàng lây lan từ tay người sang bề mặt nội thất.
Nghiên cứu cũng chỉ ra số lượng vi khuẩn sinh sôi trong mỗi cm vuông (CFU) trong ôtô so với những nơi khác. Ví dụ một chiếc bệ bồn cầu ở nhà vệ sinh công cộng là 172 CFU, nhưng vô-lăng xe hơi cao gấp nhiều lần, với 629 CFU. Con số này cũng khiến vô-lăng bẩn gấp 2 lần nút bấm thang máy công cộng và cao gấp 6 lần màn hình điện thoại di động thông thường.
Cũng ở trong cabin ôtô, đỡ bẩn hơn so với vô-lăng là hộc đựng cốc (506 CFU) và dây an toàn (403 CFU). Xếp ở những vị trí tiếp theo là tay nắm cửa phía bên trong, cần số và các nút điều khiển. Sau mỗi hành trình dài, ôtô lại có nhiều vi khuẩn hơn, theo kết quả nghiên cứu.
Có thể nguồn vi khuẩn lớn nhất với các bàn tay của các tài xế là ở các trạm nhiên liệu. "So với những địa điểm công cộng khác với lượng CFU chỉ tính tới hàng trăm, thì mức trung bình ở các cột bơm xăng là hàng triệu. Không chỉ ở mức cao, mà vi khuẩn ở đó còn rất nguy hiểm. Trong số đó có khuẩn Staphylococcus gây các bệnh nhiễm trùng", báo cáo cho biết.
Từ kết quả trên, các tài xế được khuyên nên làm sạch nội thất xe thường xuyên chứ không chỉ rửa ở bên ngoài. Trên xe nên có loại khăn vệ sinh chuyên dụng để lau chùi những bề mặt hay được chạm tới.
Mỹ Anh