Tại Mỹ, Chevrolet Tahoe có giá khởi điểm 49.200 USD, trong khi Cadillac Escalade phiên bản rẻ nhất là 76.500 USD. Hai xe ở phân khúc hoàn toàn khác nhau nhưng phát triển từ cùng một nền tảng và có giá bán chênh lệch từ 27.000 USD. Khi trang bị đầy đủ những tính năng cao cấp nhất cho chiếc Escalade, giá xe có thể gấp đôi số tiền mua một chiếc Tahoe.
Escalade thuộc phân khúc cao cấp với các trang bị, vật liệu sử dụng đều ở đẳng cấp khác. Tuy nhiên, chi phí vật liệu không chiếm quá nhiều trong giá thành của một chiếc xe.
Để tối ưu lợi nhuận, các hãng thường chọn phương pháp chia sẻ nền tảng, và đã áp dụng trong nhiều thập kỷ. Những năm 1960, Chevrolet từng dùng một nền tảng chung cho một loạt xe như Chevelle, Pontiac LeMans, Buick Special và Oldsmobile Cutlass. Đến nay, phương pháp này đã trở nên phổ biến.
Nền tảng của một chiếc xe với kết cấu gồm sàn, hệ dẫn động, hệ thống treo và các trục. Nhiều hãng có xu hướng sử dụng nền tảng của xe sedan hoặc hatchback để phát triển xe crossover. Trên thị trường không thiếu những dòng xe có chung nền tảng, Volkswagen (VW) Atlas được phát triển từ kết cấu MQB vốn sử dụng trên nhiều dòng xe như Golf và Jetta. Lợi thế lớn nhất của việc sử dụng chung nền tảng theo module là tính linh hoạt.
Như trường hợp của VW, nền tảng MQB có thể tương thích với những biến thể xe khác nhau. Những yếu tố dài, rộng, cao của xe có thể thay đổi để phù hợp với từng chủng loại.
Việc chia sẻ nền tảng không chỉ trong nội bộ một hãng. Khi đặt một chiếc Mercedes GLA cạnh Infiniti QX30, không khó để nhận ra những điểm liên quan. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào thiết kế ngoại thất, người dùng khó nhận ra sự khác biệt.
Chuyên gia phân tích ôtô cho IHS Markit, trụ sở tại Anh, cho biết: "Khi chia sẻ nền tảng với nhau, các hãng sẽ giảm được nhiều chi phí cho việc phát triển sản phẩm. Bên cạnh đó, các quá trình sản xuất có thể phổ cập hóa, từ đó tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt hơn nhờ tính chuyên biệt."
Sản xuất các bộ phận và khung gầm với số lượng lớn sẽ khiến lợi nhuận từ một xe tăng cao hơn. Trong sản xuất ôtô, chi phí tối ưu phần lớn từ khâu kế hoạch và phát triển sản phẩm.
Theo trung tâm nghiên cứu ôtô Mỹ, việc phát triển nền tảng chiếm khá nhiều chi phí, và các hãng phải bán được một lượng xe nhất định để thu hồi vốn chưa kể chi phí bỏ ra cho nghiên cứu sản phẩm và trang thiết bị. Trong hồ sơ năng lực của các hãng, phần nền tảng xe thường chiếm vị trí không nhiều, bởi việc chia sẻ lẫn nhau.
Khi một hãng có thể bán nhiều dòng xe khác nhau, sử dụng chung một nền tảng, lợi nhuận thu về sẽ lớn hơn nhiều lần so với việc bán nhiều mẫu xe sử dụng nền tảng khác nhau. Đặc biệt, đối với những sản phẩm nằm ở phân khúc cao cấp nhưng có nền tảng chung với một dòng xe phổ thông, khoản lợi nhuận thu về rất lớn.
Quy định, quy chuẩn khác nhau của các nước khiến việc sử dụng một nền tảng chung toàn cầu trở nên khó khăn. Đội ngũ thiết kế của từng công ty phải thiết kế nền tảng cho một xe phù hợp với thị trường tiêu thụ.
Trường hợp Tesla Model 3 là một ví dụ. Xe phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn của Mỹ, nhưng lại không phù hợp với một số thị trường tại châu Âu. Chính vì vậy, hãng xe Mỹ phải có những sửa đổi về nội thất để bán xe ở một số quốc gia cụ thể.
Tuy nhiên, việc sử dụng chung nền tảng cũng có một số yếu điểm. Trường hợp lỗi túi khí do Takata cung cấp là ví dụ điển hình. Hàng triệu xe của các thương hiệu khác nhau cùng sử dụng túi khí do hãng Nhật cung cấp.
Chuyên gia phân tích của IHS Markit chia sẻ: "Sử dụng chung một nền tảng, một bộ phận cho nhiều dòng xe khác nhau có thể mang về món lợi lớn. Tuy nhiên, khi xảy ra lỗi với bộ phận đó, số lượng xe chịu ảnh hưởng cũng lớn, tốn nhiều chi phí cho việc triệu hồi".
Việc chia sẻ nền tảng ôtô sẽ còn phát triển nhiều hơn khi các dòng xe điện trở nên phổ biến. Thiết kế chung bộ pin đặt bên dưới sàn, động cơ điện có thể dễ dàng lắp đặt, thay thế. Ôtô điện không cần sử dụng nhiều không gian cho hệ thống truyền động, động cơ đốt trong, nên việc chia sẻ nền tảng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Phương Linh